Bỉm Sơn – Thanh Hóa: Nâng cấp độ phòng, chống dịch COVID-19 lên mức cao nhất
Trong những ngày qua tại Thanh Hóa, nhiều F1 đã trở thành F0 liên quan đến chùm ca bệnh là một cặp vợ chồng ở thị xã Bỉm Sơn, được phát hiện trong cộng đồng ngày 14/10. Thị xã Bỉm Sơn nâng cấp độ phòng chống dịch lên cao nhất, tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu...
Cụ thể, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa cho biết, tính đến tối ngày 16/10 đã có tới 49 ca bệnh liên quan đến ổ dịch tại thị xã Bỉm Sơn. Các ca bệnh đều là F1 của 2 bệnh nhân ghi nhận ngày 14/10. Cũng liên quan đến chùm ca bệnh này, từ ngày 15/10 đến trưa 16/10, TP Thanh Hóa đã thực hiện phong tỏa tạm thời một số cụm dân cư có ca mắc mới.
Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn, thị xã Bỉm Sơn đã tập trung truy vết các trường hợp F1, F2, khoanh vùng khu vực nguy cơ, các trường hợp nguy cơ cao liên quan đến ca mắc COVID-10. Đến nay, thị xã Bỉm Sơn đã tiến hành phong tỏa tạm thời các thôn: 3, 5, 6 của xã Quang Trung; Nhà máy Ô tô VEAM; Công ty Vũ Huyền và Công ty Sơn Hà. Tính đến cuối ngày 15/10, thị xã đã truy vết, đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm 391 trường hợp F1, trong đó nhiều F1 đã trở thành F0, cách ly tại nhà hơn 2.152 trường hợp F2. Đáng lo ngại, ổ dịch này hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nên công tác phòng, chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, công tác phòng, chống dịch của tỉnh cần phải thực hiện một cách chủ động, quyết liệt, bài bản.
Ngoài các hoạt động dịch vụ kinh doanh đang tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19 theo Công văn số 14898/UBND-VX ngày 24/9/2021 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới, bắt đầu từ 12 giờ 00 phút ngày 15/10/2021, trên địa bàn thị xã, tất cả các nhà hàng, quán ăn, quán cà phê, đồ uống, giải khát chỉ được bán hàng mang về, mang đi; tất cả các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sau 18 giờ hàng ngày; tạm dừng hoạt động các dịch vụ cắt tóc, gội đầu, làm móng tay/móng chân, cơ sở thẩm mỹ/spa; hạn chế tố chức các buổi hội nghị, hội họp không thực sự cần thiết; tạm dừng các hoạt động văn hóa, thể thao, các Khu di tích trên địa bàn thị xã, các sự kiện tập trung đông người.
Đối với khu vực phong tỏa tạm thời Nhà máy ô tô VEAM, yêu cầu Nhà máy thực hiện quy định "4 tại chỗ" nghiêm ngặt, phối hợp với cơ quan chức năng để kịp thời rà soát, khoanh vùng các trường hợp F1, F2, thực hiện xét nghiệm sàng lọc, kịp thời phát hiện 2 sớm các ca mắc và thực hiện phun khử khuẩn toàn bộ khu vực nhà máy. UBND các xã, phường tiếp tục khẩn trương rà soát, phân loại các trường hợp F1, F2, F3 và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, cụ thể đối với từng trường hợp; Huy động, tập trung toàn bộ nguồn lực cho công tác phòng chống dịch để dập dịch trong thời gian sớm nhất; Trung tâm y tế phối hợp UBND các xã, phường tập trung các nguồn lực khẩn trương xét nghiệm sàng lọc cho toàn bộ các trường hợp nguy cơ, có liên quan đến các ca bệnh, các khu vực có nguy cơ cao để nhanh chóng phát hiện, khoanh vùng sớm các ca bệnh trong cộng đồng.
Để nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, ngay trong chiều 15/10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa đã cấp thêm cho thị xã Bỉm Sơn 50.000 test nhanh để xét nghiệm tầm soát cho toàn bộ người dân sinh sống và làm việc trên địa bàn thị xã. Dự kiến việc test nhanh tầm soát hoàn thành trong ngày 16/10.
Ông Lương Ngọc Trương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Đây là ổ dịch rất phức tạp, nguy cơ lây lan bùng phát dịch trong cộng đồng rất cao. Ngành y tế đã huy động lực lượng để tổ chức làm test nhanh cho hơn 59.000 người dân trên địa bàn thị xã. CDC Thanh Hóa đã cử 2 đội đáp ứng nhanh thường trực tại Bỉm Sơn truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, trả lời kết quả xét nghiệm nhanh nhất để sàng lọc các trường hợp nguy cơ cao trong cộng đồng.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Thanh Hóa yêu cầu thị xã Bỉm Sơn nâng cấp độ phòng chống dịch lên mức cao nhất, tạm dừng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu; yêu cầu người dân Bỉm Sơn tạm thời không ra khỏi địa phương, không ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết.
Đồng thời, yêu cầu các bệnh viện phải vận hành ngay các phương án khu điều trị bệnh nhân Covid-19, để khi có ca bệnh không bị động, không lúng túng trong mọi tình huống. Thường xuyên xét nghiệm tầm soát cho đội ngũ y bác sỹ, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để kiểm soát các bệnh nhân có nguy cơ. Củng cố các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu, đặc biệt là máy thở, hệ thống ôxy trung tâm, khí nén, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu. Tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực, sẵn sàng tiếp nhận, cách ly và điều trị người bệnh mắc COVID-19 theo phương châm "4 tại chỗ". Tiếp tục xây dựng các phương án "chia lửa", điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trong khu vực cũng như ở các nơi khác khi có yêu cầu.
Tranh thủ từng phút, từng giờ xét nghiệm, truy vết, áp dụng các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh. Huy động lực lượng, sử dụng công nghệ và các biện pháp nghiệp vụ để truy vết thần tốc, triệt để, bóc tách F0 để ngăn chặn nguồn lây kịp thời. Xác định rõ khu vực trọng điểm, đối tượng có nguy cơ cao để ưu tiên xét nghiệm trước. Có như vậy mới nhanh chóng đẩy lùi được dịch bệnh, đưa cuộc sống trở về trạng thái bình thường mới.
Yến HoàngViệt Nam có thể đạt tăng trưởng GDP 6,6% trong năm 2025, nằm trong nhóm quốc gia tăng trưởng cao nhất châu Á.