Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số

Diễn đàn
10:58 AM 30/10/2022

Ngày 27/10, tại Hà Nội, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức Hội thảo “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số”.

Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số - Ảnh 1.

Hội thảo là sự kiện ý nghĩa, hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (từ 15/11 đến 15/12), chào mừng Ngày thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11). Thông qua Hội thảo, nhằm tăng cường trao đổi các kết quả nghiên cứu khoa học, tạo diễn đàn học thuật để thảo luận về các vấn đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.

Tham dự Hội thảo, có Tiến sỹ Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam; TS Nguyễn Vân Anh - Giám đốc CSAGA; ThS Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà Xuất bản Phụ nữ Việt Nam; Ths Đặng Diễm Quỳnh - Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyền hình VFC - Đài Truyền hình Việt Nam; TS Đỗ Anh Đức - Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; Nhà báo Phí Quốc Thuyên - Phó Tổng biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam.

Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số - Ảnh 2.

Tiến sỹ Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tiến sỹ Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - cho biết: Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 (ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021). Mục tiêu của Chiến lược nhằm thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Mục tiêu 6 của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 nêu rõ: Phấn đấu đạt 60% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030 dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới. Từ năm 2025 trở đi 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới. Từ năm 2025 trở đi 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở. Duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng.

Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số - Ảnh 3.

Các phát biểu tại Hội thảo tập trung nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới.

Ngày 23/10/2021, Chính phủ ban hành Quyết định 1790/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Chương trình truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 để tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và nền tảng số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về bình đẳng giới,…

Theo TS Dương Kim Anh - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam: Báo chí, truyền thông có sứ mệnh đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải thông tin về bình đẳng giới, góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của công chúng. Việc tuyên truyền, vận động, lan toả những hình ảnh, thông điệp đúng đắn, sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới vừa là vai trò và cũng là thách thức đối với báo chí, truyền thông.

TS Dương Kim Anh cũng nhấn mạnh về những tác động của công nghệ số tới sự truyền tải thông điệp bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông: Công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và sự bùng nổ mạng xã hội đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ các loại hình báo chí, truyền thông được sản xuất và phát hành nhanh chóng, dễ dàng qua các ứng dụng đa phương tiện. Đây là các nền tảng truyền thông mới, có tốc độ lan tỏa nhanh, hiệu ứng tác động mạnh, nhưng hiện nay còn thiếu các chế tài kiểm soát chặt chẽ, xử lý kịp thời các nội dung, hình ảnh truyền thông chưa phù hợp, nhất là những sản phẩm có nhạy cảm giới.

Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số - Ảnh 4.

Toàn cảnh Hội thảo “Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số”.

Những nội dung về tác động của công nghệ số tới sự truyền tải thông điệp bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông cần phải được bàn thảo, đi đến những kết luận. Đó là lý do để Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức Hội thảo "Bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông trong bối cảnh công nghệ số". Hội thảo tập trung vào ba nhóm chủ đề chính là: "Truyền thông trong bối cảnh công nghệ số"; "Thực trạng vấn đề giới trên báo chí, truyền thông" và một số vấn đề khác liên quan đến chủ đề Hội thảo (từ góc độ pháp luật, đạo đức, văn hoá, thực hành...).

Trước và trong Hội thảo, các tham luận đến từ nhà khoa học, học giả trong nước và quốc tế; giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh từ các cơ sở giáo dục, viện nghiên cứu; các nhà quản lý, hoạt động xã hội; các cơ quan báo chí, truyền thông đã được Ban Tổ chức xem xét, đánh giá, phản biện...

Tại Hội thảo, nhiều tham luận, ý kiến trao đổi của các chuyên gia đã nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của báo chí, truyền thông trong nâng cao nhận thức về bình đẳng và công bằng giới. Đồng thời, đề xuất các giải pháp về chính sách và thực tiễn nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần loại bỏ bất bình đẳng giới trên báo chí, truyền thông.

Nguyễn Hạnh
Ý kiến của bạn
Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ? Đà Nẵng, Phú Quốc có gì chơi Tết khiến cả Tây lẫn Ta lũ lượt đổ bộ?

Đà Nẵng, Phú Quốc dẫn đầu top điểm đến được ưa chuộng dịp Tết Ất Tỵ 2025 với nhiều trải nghiệm đặc sắc thuyết phục du khách chọn “ăn tết” xa nhà hoặc tận hưởng năm mới theo cách riêng.