Bình Định đặt mục tiêu có 22 đô thị đến năm 2025
Theo UBND tỉnh Bình Định, đến năm 2025, toàn tỉnh có 22 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, 12 đô thị loại V (đô thị hiện hữu) và 6 đô thị loại V (hình thành mới).
UBND tỉnh Bình Định ban hành kèm theo Quyết định số 3385/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 20/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, phát triển đô thị bền vững theo mạng lưới, hình thành một số đô thị, chuỗi đô thị động lực trên toàn tỉnh, có tính liên kết với cả vùng, khu vực và cả nước. Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị có tính bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại.
Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Chất lượng sống tại đô thị ở mức trung bình khá đến cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.
Mục tiêu cụ thể: Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh Bình Định đến năm 2025 đạt trên 55%, đến năm 2030 đạt trên 60%. Số lượng đô thị trên toàn tỉnh đến năm 2025 có khoảng 22 đô thị (1 đô thị loại I, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, 12 đô thị loại V (đô thị hiện hữu) và 6 đô thị loại V (hình thành mới)). Đến năm 2030 có khoảng 21 đô thị (01 đô thị loại I, 02 đô thị loại III, 02 đô thị loại IV, 16 đô thị loại V).
Tỷ lệ đất xây dựng đô thị trên tổng diện tích đất tự nhiên đến năm 2025 đạt trên 1,5%, đến năm 2030 đạt trên 1,9%. Đến năm 2025 tất cả các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị; 100% đô thị loại III trở lên hoàn thiện tiêu chí phân loại đô thị về cơ sở hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng về y tế, giáo dục - đào tạo và công trình văn hoá cấp đô thị…
Tầm nhìn đến năm 2045: Tỷ lệ đô thị hóa tỉnh Bình Định thuộc nhóm cao của khu vực miền Trung. Hình thành chuỗi đô thị phía Nam trở thành vùng đô thị động lực của vùng kinh tế duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, với hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hài hòa các tiêu chí về đô thị hiện đại, thông minh, xanh và giàu bản sắc, mang nét đặc thù riêng của vùng đô thị ven biển.
Được biết, qua 8 tháng năm 2023, tỉnh Bình Định đã thu hút 60 dự án đầu tư mới với tổng vốn đăng ký 13.377 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm 2023. Trong tổng số 60 dự án nói trên, có 34 dự án đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp; 15 dự án thương mại, dịch vụ, du lịch, bất động sản; 6 dự án xây dựng, hạ tầng và 5 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài ra, có 58 dự án đã được các nhà đầu tư điều chỉnh tăng vốn thêm hơn 3.770 tỷ đồng so với ban đầu.
Nguyễn TuấnSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.