Bình Định: Phấn đấu bàn giao 100% mặt bằng cao tốc Bắc - Nam trước 30/6/2023
Ngày 1/3, tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc kiểm tra công tác GPMB và tái định cư dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Bình Định.
Theo báo cáo của Sở GTVT, sau khi bàn giao cho chủ đầu tư 78,5% diện tích mặt bằng, tương ứng 78,6% chiều dài tuyến chính, các địa phương đang triển khai việc hoàn thiện và phê duyệt hồ sơ di dời hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án; đồng thời tập trung công tác xây dựng khu tái định cư. Đây cũng là một trong những nội dung mà lãnh đạo tỉnh rất quan tâm, bởi nó quyết định đến tiến độ di dời các hộ dân trong vùng ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng thi công dự án.
8/8 địa phương đã lập hồ sơ đầu tư xây dựng 39 khu tái định cư, diện tích hơn 71 ha, với khoảng 1.822 lô đất. Về khu cải táng mồ mả, có 2 địa phương lập hồ sơ đầu tư xây dựng 7 khu, diện tích khoảng 2,238ha; các địa phương còn lại cải táng vào nghĩa trang hiện có. Đến nay, các địa phương đã chi trả cho các hộ dân và tổ chức bị ảnh hưởng với số tiền hơn 1.740 tỷ đồng. Trong đó: Kết quả giải ngân năm 2022 đạt 99,7% vốn cấp; kết quả giải ngân năm 2023 đã chi trả được 232,9 tỷ đồng.
Về phía các địa phương đề nghị Ban QLDA 2 và BQLDA 85 báo cáo Bộ GTVT giải quyết các nội dung kiến nghị về những bất cập trong bồi thường, GPMB và tái định cư; tính toán kinh phí bảo trì, hoàn trả các tuyến đường của địa phương bị ảnh hưởng trong quá trình phục vụ thi công dự án. Các địa phương cũng đề nghị chủ đầu tư bàn giao mốc mỏ vật liệu, bãi thải, trạm dừng nghỉ để địa phương tổng hợp, đăng ký vào Kế hoạch sử dụng đất theo quy định...
Đồng thời, phối hợp với các địa phương xác định rõ khu vực mỏ vật liệu, bãi thải, đường công vụ; tổ chức bàn giao cọc mốc đối với các mỏ đất khai thác làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án thuộc các hạng mục của dự án được phê duyệt theo quy định…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan khẩn trương thực hiện các công việc chưa hoàn thành. Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đôn đốc các địa phương tổng hợp phần diện tích đất nông nghiệp còn lại trên 200m2 nhưng không đủ điều kiện sản xuất để lấy ý kiến Ban 2 và Ban 85, sớm tham mưu UBND tỉnh thu hồi theo quy định; đồng thời tổng hợp diện tích đất phục vụ dự án thuộc thẩm quyền của tỉnh chưa có trong kế hoạch sử dụng đất được duyệt, sớm tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp đến; có văn bản hướng dẫn cụ thể cho các địa phương thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ đối với loại đất có nguồn gốc đất khai vỡ.
Sở Xây dựng hướng dẫn cụ thể cho các địa phương về mức hỗ trợ đối với mộ có hài cốt chưa phân hủy và các công việc chưa có mã hiệu, đơn giá bồi thường, hỗ trợ. Các sở, ngành liên quan ưu tiên công tác thẩm định đối với các hạng mục do địa phương thực hiện; tăng cường công tác phối hợp, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương. Ban GPMB tỉnh khẩn trương triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật để đáp ứng tiến độ.
Đối với các địa phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho rằng, việc triển khai di dời hạ tầng kỹ thuật, khởi công xây dựng các khu tái định cư, khu cải táng hiện nay rất chậm; cần gấp rút triển khai. Trong đó, các gói thầu di dời hạ tầng kỹ thuật phải được ký hợp đồng trước ngày 15/3; đồng thời khẩn trương xây dựng đơn giá đất phục vụ công tác bồi thường, bố trí tái định cư, đảm bảo chặt chẽ, tuân thủ các quy định hiện hành, phù hợp với giá đất bồi thường và đảm bảo quyền lợi cho người dân. Các khu tái định cư phải được chỉ định thầu xong trước ngày 15/3/2023.
Cùng với đó, các địa phương cũng phải rà soát phần diện tích đất sử dụng phục vụ dự án chưa có trong kế hoạch sử dụng đất, thuộc thẩm quyền của tỉnh, tổng hợp báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sắp đến. Đối với phần diện tích đất nông nghiệp còn lại lớn hơn 200m2 nhưng không đủ điều kiện sản xuất, đề nghị các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát, thống kê số lượng hộ dân, số lượng thửa đất, diện tích đất thu hồi, lập các hồ sơ có liên quan; đồng thời, xác định kinh phí bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi phần diện tích đất này và gửi cho Sở TN&MT.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng lưu ý, hiện nay, các địa phương đã được bố trí nguồn vốn năm 2023 khá lớn, với số tiền hơn 3.222 tỷ đồng; đề nghị các địa phương khẩn trương thẩm định, phê duyệt phương án bồi thường và tiến hành chi trả cho người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các địa phương phải xây dựng kế hoạch cụ thể hàng tuần, ngày 15 hàng tháng và ngày cuối tháng phải báo cáo tình hình cho tỉnh và thông báo cho chủ đầu tư để phối hợp thực hiện, đảm bảo đến 30/6/2023 phải bàn giao 100% mặt bằng sạch theo Nghị quyết của Chính phủ đã đề ra.
Nguyễn TuấnTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.