Bình Dương, Bắc Ninh có tỷ suất di cư cao hơn cả TP.HCM, Hà Nội

Xã hội
07:48 AM 10/03/2022

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, số tỉnh có tỷ suất di cư thuần dương là 11 tỉnh. Các tỉnh còn lại tỷ suất di cư thuần đều âm. So sánh theo vùng, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ suất di cư liên vùng thuần dương cao nhất trong cả nước.

Dân số của một đơn vị lãnh thổ không chỉ phụ thuộc vào mức sinh, mức chết trên đơn vị lãnh thổ đó mà còn chịu tác động của biến động di cư. Di cư là sự thay đổi nơi cư trú của con người, từ đơn vị lãnh thổ này tới đơn vị lãnh thổ khác trong một khoảng thời gian nhất định.

Do di cư tác động đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội nên vấn đề di cư nhận được sự quan tâm không những của các nhà quản lý, các nhà lập chính sách, các nhà xây dựng chương trình phát triển mà còn của toàn xã hội.

Theo báo cáo Biến động dân số và Kế hoạch hóa gia đình thời điểm 1/4/2020 của Tổng cục Thống kê, số lượng người di cư liên tỉnh trong vòng 12 tháng trước điều tra ước khoảng 695,1 nghìn người. So sánh theo vùng, Đông Nam Bộ là vùng có tỷ suất di cư liên vùng thuần dương cao nhất trong cả nước, khoảng 18,7‰. Trong đó tỷ suất nhập cư là 20,4‰ và tỷ suất xuất cư là 1,7‰.

Tỷ suất di cư thuần là hiệu số giữa số người nhập cư và số người xuất cư của một đơn vị lãnh thổ trong kỳ nghiên cứu (thường là một năm lịch) tính bình quân trên 1000 dân của đơn vị lãnh thổ đó.

Cụ thể, tỷ suất di cư giữa các vùng năm 2020 có sự khác biệt, vùng có sức hút lớn về việc làm là Đông Nam Bộ có tỷ suất di cư thuần dương cao nhất trong cả nước với hơn 338,8 nghìn người nhập cư, tiếp đến là vùng Đồng bằng sông Hồng là 67,4 nghìn người. Vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn là vùng dẫn đầu trong cả nước về số người xuất cư, với hơn 200 nghìn người và vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung đứng thứ hai về số người xuất cư với hơn 143,9 nghìn người.

Bình Dương, Bắc Ninh có tỷ suất di cư cao hơn cả TP.HCM, Hà Nội - Ảnh 2.

Số lượng người xuất, nhập cư năm 2020 chia theo vùng kinh tế - xã hội. Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Báo cáo cho thấy, số tỉnh có tỷ suất di cư thuần dương là 11 tỉnh. Các tỉnh còn lại tỷ suất di cư thuần đều âm. Cụ thể, Bình Dương vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước về tỷ suất di cư thuần dương (58,6‰), đứng thứ hai là Bắc Ninh với tỷ suất di cư thuần dương 35,8‰. Đứng ở vị trí thứ ba là thành phố Hồ Chí Minh với tỷ suất di cư thuần dương 18‰.

Ngược lại, tỉnh có tỷ suất di cư thuần âm cao nhất là Hậu Giang (-23,8‰), Trà Vinh (-21,5‰) và Sóc Trăng (-19,3‰).

Có thể thấy, những tỉnh có tỷ suất di cư thuần cao vẫn là những tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp, các trường đào tạo. Điều này chứng tỏ việc làm, đào tạo, học tập đã ảnh hưởng rất nhiều đến vấn đề di cư.

Bên cạnh đó, báo cáo còn chỉ ra rằng, luồng di cư giữa các thành phố chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các luồng di cư, đạt 43%. Trong khi đó, luồng di cư từ nông thôn đến thành thị chỉ chiếm khoảng 31,2%, còn lại là luồng di cư từ nông thôn đến nông thôn.

Bình Dương, Bắc Ninh có tỷ suất di cư cao hơn cả TP.HCM, Hà Nội - Ảnh 3.

Tỷ trọng các luồng di cư từ 1/4/2019-1/4/2020. Nguồn: Tổng cục Thống kê

"Điều này cho thấy áp lực dân số và việc làm ở các khu vực đô thị tiếp tục xu hướng tăng qua các năm", báo cáo nhận định.

Nếu chia theo nhóm tuổi và giới tính, tỷ lệ người di cư của nhóm tuổi 20-24 là cao nhất, tiếp đến là những người trong nhóm tuổi 25-29 và 15-19. Xét theo giới tính, nhóm tuổi 20-24 vẫn là nhóm có tỷ lệ người di cư cao nhất ở cả nam và nữ.

Báo cáo cũng đề cập, lý do chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số các lý do di chuyển của người dân là “Tìm việc/Bắt đầu công việc mới", chiếm khoảng 59,5%. Các lý do tiếp theo là “Theo gia đình/Chuyển nhà” (17,4%) và “Đi học” (11,5%). Riêng với nữ giới, “Kết hôn” cũng là lý do chính ảnh hưởng đến quyết định di cư, chiếm khoảng 10,7%, cao hơn nhiều so với mức 2% của nam giới.

Giang Anh
Ý kiến của bạn