Bình Dương: Các chính sách an sinh xã hội, phục hồi kinh tế, thị trường lao động được thực hiện tốt

Địa phương
09:49 AM 29/10/2021

Thời gian qua, tỉnh Bình Dương đã thực hiện rất tốt về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Cũng như phục hồi kinh tế, thị trường lao động.

Vừa qua, Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội do ông Lê Văn Thanh – Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Bình Dương về việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương đã thông tin về kết quả thực hiện các gói chính sách hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, thực hiện chính sách giảm mức đóng Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 14.359 đơn vị với trên 1 triệu lao động. Đã chi hỗ trợ cho hơn 186.000 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương; có 26.824 hộ kinh doanh được hỗ trợ (8/9 địa phương cơ bản hoàn thành)…

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ riêng của tỉnh được ban hành và triển khai thực hiện nhanh chóng, hiệu quả. Đến nay, Bình Dương đã cấp gạo cho 2,1 triệu người dân với tổng số 14.000 tấn gạo. Đối với việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đang ở trọ (300.000 đồng/người), các huyện, thị xã, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cho trên 1,4 triệu trường hợp với tổng số tiền hơn 420 tỷ đồng; hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ (500.000 đồng/người) cho gần 1,7 triệu trường hợp. Phối hợp với các tỉnh tổ chức 46 đợt đưa 11.650 người dân có hoàn cảnh khó khăn về nơi thường trú.

Bình Dương: Các chính sách an sinh xã hội, phục hồi kinh tế, thị trường lao động được thực hiện tốt - Ảnh 1.

Thời gian qua, Bình Dương sử dụng nguồn ngân sách hỗ trợ các chính sách anh sinh xã hội đứng thứ 2 (sau TP.Hồ Chí Minh) trong 23 tỉnh, thành thực hiện giãn cách xã hội ở đợt dịch lần thứ 4 này (ảnh minh họa)

Thứ trưởng Lê Văn Thanh khẳng định nhờ công tác chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của tỉnh cũng như Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid19 tỉnh, sự nỗ lực quyết tâm của các ngành, các cấp trong việc chi hỗ trợ các gói chính sách đã góp phần giúp người dân an tâm, lao động sản xuất, kinh doanh.

Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản đã được kiểm soát tốt và có dấu hiệu tích cực. Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục rà soát các đối tượng thụ hưởng các chính sách của Trung ương; hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh việc giải quyết các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động... Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về nguồn lao động trong trường hợp thiếu hụt lao động, bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất. Đồng thời, tỉnh sẽ ban hành các chính sách mới hỗ trợ phù hợp tình hình địa phương.

Mục tiêu khôi phục kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới là mục tiêu hàng đầu của tỉnh này. Theo đó, hàng loạt giải pháp trọng tâm được Bình Dương chủ động xây dựng để phục hồi kinh tế. Trong đó chú trọng đến việc hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động hoạt động sản xuất an toàn. Trước hết là đẩy nhanh tổ chức tiêm vắc xin đầy đủ 02 mũi cho người dân để đạt được miễn dịch cộng đồng, duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đồng thời chú trọng đặc biệt vào lao động ngoại tỉnh tại các thành phố, thị xã tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp để tạo tâm lý tốt, giữ chân người lao động, ổn định xã hội.

Bình Dương: Các chính sách an sinh xã hội, phục hồi kinh tế, thị trường lao động được thực hiện tốt - Ảnh 2.

Việc hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động được hoạt động sản xuất an toàn cũng được tỉnh Bình Dương chú trọng (ảnh minh họa)

Tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch. Tổ chức nắm chắc nguồn cung lao động để kịp thời có những chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, hỗ trợ di chuyển, nhà ở,… để đưa lao động quay lại tỉnh Bình Duơng tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh; kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ.

Nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của hệ thống dịch vụ việc làm, nhằm tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Chủ động nắm bắt tình hình quan hệ lao động trong doanh nghiệp để kịp thời có phương án ngăn ngừa, giải quyết khi tranh chấp lao động, đình công xảy ra ...

Đức Duy
Ý kiến của bạn