Bình Dương: Đẩy mạnh các biện pháp để tiêu thụ nông sản

Địa phương
09:21 AM 12/10/2021

Trong thời gian áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ để đảm bảo quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, tình hình kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn, đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. Hiện nay, Bình Dương đang bước đầu thực hiện trạng thái bình thường mới nên vận chuyển và tiêu thụ nông sản đã thuận lợi và tương đối ổn định.

Tại diễn đàn trực tuyến "Kết nối tiêu thụ nông sản tỉnh Bình Dương năm 2021" được tổ chức vừa qua, theo báo cáo của Sở NNPTNT Bình Dương, thời gian qua, thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngành Nông nghiệp hướng tới phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, nông nghiệp sạch, hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu cùng với nhiều chính sách phát triển nông nghiệp, Bình Dương đã tạo được cơ chế để thu hút doanh nghiệp, nông dân mạnh dạn đầu tư vào sản xuất. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành 04 khu công nghiệp công nghệ cao, trên 69% tổng đàn gia cầm, 65% tổng đàn gia súc và 5.435ha trồng trọt ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trong đó có gần 600ha sản xuất trồng trọt theo hướng hữu cơ.

Bình Dương: Đẩy mạnh các biện pháp để tiêu thụ nông sản - Ảnh 1.

Trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương sẽ tháo gỡ, đẩy mạnh các biện pháp để kết nối tiêu thụ nông sản của tỉnh nhà

Trong thời gian đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ để đảm bảo quy định về phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương, tình hình lưu thông, vận chuyển gặp nhiều khó khăn, chi phí vận chuyển tăng, các thị trường truyền thống ngưng nhận hàng nông sản là nguyên nhân gây đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản. Hiện nay, Bình Dương đang bước đầu thực hiện trạng thái bình thường mới nên vận chuyển và tiêu thụ nông sản đã thuận lợi và tương đối ổn định.

Song song đó, Sở NNPTNT đã thành lập Tổ Công tác hỗ trợ sản xuất, kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Công Thương, Bưu điện tỉnh triển khai công tác kết nối tiêu thụ nông sản tại các bưu cục trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, đã triển khai bán hàng tại 20 điểm với lượng hàng cung ứng hàng ngày khoảng 06 tấn rau, củ, quả; 300-350kg thịt; 27.000 trứng/điểm. Đồng thời, tổ chức các chuyến xe bán hàng lưu động tại các huyện, thị xã, thành phố.

Cùng với đó, hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại triển khai kênh bán lẻ online, giao hàng trực tuyến đến các đầu mối đặt hàng; hỗ trợ tiêu thụ nông sản tồn cục bộ với 150 tấn chuối; 250 tấn dưa lưới; 250 tấn bưởi; 50 tấn rau; 90 tấn nấm bào ngư… và hiện các đơn vị đang tiếp tục kết nối bán hàng ổn định. Ngoài ra, đã tổ chức rà soát sản lượng nông sản của tỉnh đến thời điểm thu hoạch hoặc sắp thu hoạch, hiện có trên 2.000 tấn trái cây (bưởi, cam, quýt, chanh, dưa lưới, ổi, nhãn…), sản phẩm nông sản chế biến, thịt gia súc, gia cầm và trứng cần kết nối hỗ trợ tiêu thụ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng cho biết, thời gian qua, trong quá trình thực hiện các quy định phòng, chống dịch Covid-19, ngành sản xuất nông nghiệp đã gặp không ít khó khăn, trong đó khó khăn lớn nhất là việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm.

Ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương tiếp tục có giải pháp hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó chú trọng đẩy mạnh áp dụng quy trình cấp mã số vùng trồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn thực phẩm khép kín… nhằm góp phần đảm bảo, ổn định giá, thị trường tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn cho nông dân.Đặc biệt, sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp với mục tiêu mở rộng thị trường tiêu thụ cho một số sản phẩm nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh Bình Dương.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, Bình Dương là địa phương rất tiềm năng về phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao. Diễn đàn đã đạt được một số kết quả đáng chú ý, giải đáp được những vướng mắc của doanh nghiệp phân phối và nhà sản xuất. Ngoài ra, đã kết nối tiêu thụ nông sản giữa các hợp tác xã, doanh nghiệp ở Bình Dương với hệ thống bán lẻ, xuất khẩu nông sản, trao đổi được nhiều thông tin.Qua đây, nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ sự bất ngờ khi biết Bình Dương có tiềm năng về trái cây với nhiều loại đặc sản và khả năng phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Thứ trưởng đề nghị tỉnh Bình Dương cần có kế hoạch quảng bá rộng rãi hơn về phát triển nông nghiệp hữu cơ, các sản phẩm chiến lược, cũng như thế mạnh về thủ công mỹ nghệ, gốm sứ, sơn mài và du lịch trang trại của tỉnh. Đồng thời, mong muốn Bình Dương sẽ tiếp tục triển khai cấp mã số vùng trồng, đáp ứng được các tiêu chuẩn GAP ở những vùng nguyên liệu, phấn đấu đến năm 2025 trở thành điểm đến tin tưởng của các doanh nghiệp bán lẻ, xuất khẩu; các đối tác có thể yên tâm ký kết bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng gợi ý về việc kết nối các sản phẩm nông sản vào tiêu thụ trong các khu công nghiệp của tỉnh, cụ thể để tăng cường hiệu quả, qua mỗi diễn đàn, cần có một doanh nghiệp đứng ra làm vai trò kết nối để đem lại những kết quả cụ thể hơn trong thời gian tới, nếu có vướng mắc thì Bộ NNPTNT sẽ phối hợp tháo gỡ nhanh nhất có thể; giúp các nhà sản xuất và nhà phân phối, thu mua xích lại gần nhau hơn.

Đức Duy
Ý kiến của bạn