Bình Dương: Khắc phục, không để bỏ sót trường hợp người dân khó khăn cần được hỗ trợ an sinh xã hội
Đó là phát biểu của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - Võ Văn Minh trong cuộc họp trực tuyến báo cáo kết quả, tình hình triển khai các gói an sinh xã hội và những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện của tình này vừa qua.
Theo đó, tính đến ngày 19/10/2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các địa phương trong tỉnh Bình Dương thực hiện 03 gói chính sách hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn trong thời gian giãn cách, phòng, chống dịch Covid-19 là Nghị quyết số 68/NĐ-CP của Chính phủ (gọi tắt là Nghị quyết 68), Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ tiền thuê nhà đối với người lao động đang ở trọ trên địa bàn tỉnh Bình Dương (300.000 đồng/người); Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Dương về việc hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn đang ở trọ trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (500.000 đồng/người) với số tiền đã chi hơn 2.400 tỷ đồng. Trong đó, đã thực hiện chi hỗ trợ theo Nghị quyết 68 cho 1.004.258 trường hợp với tổng số tiền 1.407,999 tỷ đồng; chi hỗ trợ theo Nghị quyết 04 cho 1.322.288 trường hợp với tổng số tiền 396.686 tỷ đồng; chi hỗ trợ theo Quyết định 12 cho 1.279.311 trường hợp với tổng số tiền 648.656 tỷ đồng.
Sau khi gia hạn thời gian chi bổ sung cho các đối tượng còn sót theo chỉ đạo của UBND tỉnh, có 3/9 địa phương chưa hoàn thành 100% việc chi hỗ trợ theo Nghị quyết số 04 và Quyết định số 12, gồm TP. Thủ Dầu Một, Dĩ An và TX. Tân Uyên. Cụ thể, TX.Tân Uyên đến nay đã chi hỗ trợ tiền thuê nhà và lương thực thực phẩm đạt 90%, còn 10% (hơn 49.000 cho mỗi loại) đang tiếp tục chi; TP. Thủ Dầu Một và Dĩ An còn khoảng 0,5 % đang tiếp tục chi cho các đối tượng.
Nguyên nhân là do các trường hợp đã được lập và phê duyệt danh sách hỗ trợ nhưng chưa đến nhận tiền; hiện nay người lao động đã quay trở lại làm việc nên chỉ chi hỗ trợ ngoài giờ nên chậm tiến độ chi. Ngoài ra, trong quá trình chi trả thực tế, cán bộ phường đã phát hiện một số đối tượng trong danh sách chi trả không đúng với giấy tờ gốc khi đối chiếu, nên phải xác minh lại.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - ông Võ Văn Minh ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch trong giai đoạn "bình thường mới"; xét nghiệm thần tốc kết hợp với tiêm vắc xin đúng tiến độ và hỗ trợ chính sách an sinh xã hội kịp thời cho người dân. Mặc dù với khối lượng công việc lớn dẫn đến chậm giải quyết chính sách cho một số đối tượng với nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, nhưng trong thời gian tới, phải nhanh chóng khắc phục, không để bỏ sót trường hợp người dân khó khăn cần được hỗ trợ.
Qua đó, Chủ tịch UBND tỉnh này đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn lao động các cấp, Ban Quản lý các khu công nghiệp tăng cường thông tin đến các công ty, doanh nghiệp và người lao động đẩy nhanh việc đăng ký và giải quyết hồ sơ cho người lao động theo các nhóm chính sách, đặc biệt là nhóm người lao động mất việc, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động do ảnh hưởng dịch bệnh. Chính quyền địa phương cần tích cực quan tâm, hỗ trợ đúng đối tượng; chỉ đạo rà soát, tránh bị trùng lắp. Khi hồ sơ được duyệt phải thực hiện chi nhanh, không để người lao động chờ đợi lâu. Sở Y tế phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hoàn thành thủ tục hồ sơ cho các đối tượng công nhân lao động là F0 để chi hỗ trợ trong thời gian tới theo quy định.
Đức DuyƯớc tính ban đầu chi trả bồi thường bảo hiểm do bão số 3 và lũ lụt gây ra khoảng 7.000 tỷ đồng.