Bình Dương nêu cao vai trò người dân trong xây dựng NTM
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đã đem lại sức sống" ở những vùng nông thôn. Sự đổi thay từ đời sống vật chất đến tinh thần của người dân trong giai đoạn 5 năm (2016-2020) là minh chứng cụ thể cho tính thiết thực, hiệu quả của chương trình XDNTM tỉnh Bình Dương.
Trong quá trình XDNTM tại tỉnh Bình Dương, con người là yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả của phong trào. Trước sự chuyển mình của nông thôn, bên cạnh việc thừa hưởng những điều kiện sẵn có từ cơ sở vật chất, người dân nông thôn đã có sự hòa mình bắt kịp với xu thế mới của thời kỳ hội nhập bằng sự chủ động nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật, hưởng ứng tích cực các phong trào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Sự đổi thay còn đến từ ý thức tự lực, tự cường, năng động bản lĩnh, ý chí khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm của người nông dân.
Một trong những yếu tố góp phần làm nên thắng lợi trong công tác XDNTM của Bình Dương là các địa phương đã huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân. Người nông dân đóng vai trò chủ thể chính trực tiếp tham gia xây dựng quê hương.
Trong quá trình XDNTM, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tối đa theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đối với các công trình trọng điểm của cơ sở, các địa phương đã công khai minh bạch các kế hoạch quy hoạch; tổ chức nhiều buổi đối thoại thông qua ý kiến nhân dân. Những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân nhân, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể luôn vào cuộc kịp thời nắm bắt và tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Với việc nâng cao vai trò của người dân trong phong trào XDNTM đó, trong 5 năm qua (2016-2020), thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, những chính sách của Trung ương, của tỉnh đầu tư cho phát triển nông thôn đã tạo ra diện mạo mới cho những vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng chất rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh Bình Dương đã đạt 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 100% tuyến đường trục ấp và đường liên ấp được nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Hệ thống chợ, khu thương mại và các điểm mua bán trao đổi hàng hóa đáp ứng nhu cầu phục vụ cho người dân nông thôn.
Bên cạnh đó, dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân nông thôn được tăng cường; mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố và phát triển; toàn tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn y tế. Mạng lưới viễn thông, điện thoại di động, Internet bao phủ mở rộng đến các ấp; 100% xã đều có nhà văn hóa ấp đạt tiêu chí. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Với việc tập trung tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, người dân nông thôn được tiếp cận nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, có hiệu quả gắn với việc làm ổn định.
Kinh tế phát triển đồng nghĩa với đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, sự tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội tốt hơn. Thu nhập bình quân đầu người hiện tại ở nông thôn đạt 58 triệu đồng/người/năm (tăng 169% so với năm 2010); 100% nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Bình Dương cũng là một trong 06 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia (gấp 1,7 lần); tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh chỉ còn 1,3%, cơ bản không có hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, không có hộ tái nghèo.
Hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục ở nông thôn tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nông thôn với trên 66% trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; từ đó đã nâng dần chất lượng dạy và học, tỷ lệ học sinh thi đỗ các cấp đều tăng qua các năm. Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh xác định là chiến lược lâu dài và là yếu tố quyết định đến sự phát triển của tỉnh trong tương lai.
Có thể thấy, dù ở giai đoạn nào, các chương trình, chính sách XDNTM đều hướng về mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặt người dân ở vị trí trung tâm là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Đức Duy
Đại hội Sales và Marketing toàn quốc (VSMCamp) và Hội nghị cấp cao các Giám đốc Sales và Marketing (CSMOSummit) mùa thứ 8 đã trở lại trong hai ngày 22-23/11/2024, tại trường Đại học VinUni, Hà Nội, với chủ đề “FORWARD+ Chiến lược sales và marketing trong kỷ nguyên phát triển bền vững”. Trong ngày đầu tiên của chuỗi sự kiện, hơn 60 diễn giả, chuyên gia; các cơ quan truyền thông, báo chí; những người hoạt động và có mối quan tâm tới lĩnh vực sales & marketing cùng sinh viên các trường Đại học đã hội tụ tại sự kiện sales và marketing lớn nhất năm.