Bình Dương: Tập trung thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Địa phương
11:03 AM 21/09/2021

Tính đến ngày 15/9, Bình Dương có 06/09 huyện, thị xã, thành phố công bố "vùng xanh", trở lại trạng thái bình thường mới. UBND tỉnh này đã ban hành kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội, trong đó tập trung thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất bao gồm: Hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách thuế - bảo hiểm xã hội, các chính sách về lao động, tiếp cận thị trường, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình cụ thể.

Thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh trong quý III/2021 có chậm lại và giảm so với những tháng đầu năm. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, tỉnh đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn", theo đó, chỉ cho phép hoạt động đối với các doanh nghiệp đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch theo đúng các quy định, hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và Bộ Y tế. Đồng thời, đã nỗ lực hết sức để bảo vệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", "01 cung đường, 02 địa điểm" để có thể tiếp tục sản xuất. Tính đến ngày 18/9/2021, trên địa bàn tỉnh có 3.197 doanh nghiệp đã đăng ký và đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", "01 cung đường, 02 địa điểm", "3 xanh" cho 264.621 lao động.

Bình Dương: Tập trung thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất - Ảnh 1.

Sau khi về trạng thái bình thường mới, tỉnh Bình Dương tập trung triển khai các nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất

Nhằm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cho các doanh nghiệp thực hiện sản xuất "3 tại chỗ", tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Sở Y tế tổ chức nhiều chiến dịch xét nghiệm, truy vết, rà soát, bóc tách F0, đảm bảo hoạt động sản xuất và triển khai tiêm vắc xin diện rộng cho tất cả người lao động trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh của tỉnh từng bước được kiểm soát và chuyển biến khả quan, Bình Dương đã triển khai các mô hình mới như "3 xanh" (nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh), " 03 tại chỗ linh hoạt" được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí duy trì chuỗi cung ứng sau thời gian dài giãn cách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất và đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn, góp phần giải quyết được việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Hiện tại, UBND tỉnh Bình Dương đã ban hành kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội trong trạng thái bình thường mới sau thời gian giãn cách xã hội, trong đó tập trung thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất bao gồm: Hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách thuế - bảo hiểm xã hội, các chính sách về lao động, tiếp cận thị trường, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình cụ thể.

Các sở, ngành tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2021. Đồng thời, tiếp tục thống kê tình hình lao động, xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động trong các doanh nghiệp và có giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau giãn cách, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đức Duy
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.