Bình Dương: Thêm 1 DSVH vật thể và 2 DSVH phi vật thể được công nhận
Nhân kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa (DSVH) Việt Nam, ngày 23/11, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận bảo vật quốc gia và danh mục DSVH phi vật thể quốc gia của tỉnh Bình Dương đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Bình Dương là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời. Thành quả sáng tạo của các thế hệ cha ông đã để lại những di sản vật chất, tinh thần đa dạng, phong phú, có giá trị hết sức đặc biệt. Điều đó tiếp tục được khẳng định khi Bình Dương có thêm 01 DSVH vật thể là “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” được công nhận là bảo vật quốc gia và 02 DSVH phi vật thể là “Nghề gốm Bình Dương”, “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” được công nhận là DSVH phi vật thể quốc gia.
Theo đó, “Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh” với 23 hiện vật có niên đại khoảng từ cuối thế kỷ thứ III trước Công nguyên đến thế kỷ I sau Công nguyên, được phát hiện tại di chỉ khảo cổ thuộc xã Phú Chánh, huyện Tân Uyên (nay là thị xã Tân Uyên) vào năm 1998 và năm 2001.
Nghề gốm Bình Dương có lịch sử hình thành trên đất Bình Dương khoảng 200 năm, được lưu truyền qua nhiều thế hệ và là một nghề thủ công truyền thống nổi tiếng của tỉnh.
Còn với nghệ thuật trình diễn dân gian “Võ lâm Tân Khánh Bà Trà” có nguồn gốc xuất phát ở vùng đất Tân Khánh, thuộc phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên) và phường Bình Chuẩn (TP Thuận An) hiện nay.
Tính đến nay, Bình Dương đã có 03 bảo vật quốc gia gồm Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh vừa được công nhận, Tượng động vật Dốc Chùa (công nhận năm 2013) và Mộ chum gỗ nắp trống đồng Phú Chánh (công nhận năm 2018); đồng thời, có 03 DSVH phi vật thể được vinh danh gồm Nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, Nghề gốm Bình Dương và Võ lâm Tân Khánh Bà Trà.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà nhấn mạnh, Bình Dương có thêm 01 bảo vật quốc gia và 2 DSVH phi vật thể quốc gia được vinh danh là niềm vinh dự, tự hào của tỉnh. Với trách nhiệm và lòng tự hào dân tộc, ông tri ân đến các bậc tiền nhân, các thế hệ đi trước đã có công hình thành, gìn giữ; các DSVH được vinh danh có ý nghĩa quan trọng góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Ông đề nghị, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần tích cực phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy DSVH trên địa bàn tỉnh; xây dựng môi trường thuận lợi cho nghề sản xuất gốm có điều kiện phát triển bền vững; tạo điều kiện cho các võ sư, môn sinh Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có điều kiện học tập, rèn luyện và truyền dạy trong các trường đại học, THCS, THPT trong tỉnh; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về DSVH; quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị bảo vật quốc gia được công nhận. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá bảo vật quốc gia, DSVH trên các phương tiện truyền thông, đa dạng hóa các hình thức thực hiện để truyền thông đến với đông đảo quần chúng nhân dân trong và ngoài tỉnh; kích cầu và phát triển du lịch tỉnh nhà.
Dịp này, UBND tỉnh đã truy tặng Bằng khen cho 02 võ sư; tặng Bằng khen cho 04 tập thể, 03 cá nhân đã có nhiều đóng góp trong việc đưa tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian Võ lâm Tân Khánh Bà Trà trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; tặng Bằng khen cho 02 tập thể, 06 cá nhân đã có nhiều đóng góp cho việc đưa hiện vật Bộ dụng cụ dệt gỗ Phú Chánh trở thành bảo vật quốc gia.
Hạ DuyênCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.