Bình Dương: Trạm y tế lưu động là giải pháp đột phá để người dân tiếp cận y tế từ cơ sở

Địa phương
02:48 PM 19/10/2021

Tính đến ngày 17/10/2021, toàn tỉnh Bình Dương đã thành lập 184 Trạm y tế lưu động, trong đó có 26 Trạm y tế lưu động trong khu, cụm công nghiệp. Thời gian tới tỉnh tiếp tục kiên toàn Trạm y tế theo mật độ dân cư và khu cụm công nghiệp; huy động thêm bác sĩ, y sĩ , điều dưỡng, nhân viên y tế tình nguyện, hợp đồng với các Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố để tăng cường phục vụ cho Trạm y tế lưu động.

Vừa qua, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương đã chủ trì Hội nghị sơ kết mô hình hoạt động Trạm y tế lưu động và điều trị người nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà

Theo đó, việc thành lập các Trạm y tế lưu động ngay tại xã, phường, thị trấn là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại cơ sở, góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị Covid-19 tại tỉnh. Các Trạm y tế lưu động đã triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người nhiễm, người nghi nhiễm thông qua tư vấn từ xa (điện thoại đường dây nóng, phần mềm giải đáp thông tin…) đã giúp đối tượng cần hỗ trợ được tiếp cận với các thông tin chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến, tiếp cận với dịch vụ y tế sớm, kịp thời, nhất là trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, góp phần giảm các trường hợp tử vong do diễn biến nặng.

Bình Dương: Trạm y tế lưu động là giải pháp đột phá để người dân tiếp cận y tế từ cơ sở - Ảnh 1.

Việc "phủ sóng" các trạm y tế lưu động có ý nghĩa to lớn trong việc góp phần phòng chống dịch Covid -19 tại Bình Dương (ảnh internet)

Hiện có 91 Tổ phản ứng nhanh quận, huyện, phường, xã, thị trấn (gồm bác sĩ, điều dưỡng của Trung tâm Y tế thành phố, thị xã, huyện, tình nguyện viên,…), đồng thời cung cấp số điện thoại của Tổng đài 1022; Tổ quân y, Tổ phản ứng nhanh để người mắc Covid-19 đang cách ly tại nhà dễ dàng liên hệ khi cần hỗ trợ trong những tình huống khẩn cấp. Sở Giao thông vận tải đã trang bị hơn 40 xe cứu thương và lực lượng chuyên môn đi cùng để hỗ trợ tiếp cận sớm nhất người bệnh cần cấp cứu tại các khu vực trên địa bàn. Sở Y tế đã hướng dẫn triển khai chỉ đạo các Trung tâm y tế, các Trạm y tế, các Trạm Yy tế lưu động thực hiện lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, cộng đồng; tư vấn và quản lý sức khỏe trong phòng, chống dịch Covid-19; cung cấp gói thực phẩm bảo đảm an sinh xã hội cho người nhiễm và các thành viên trong gia đình ở tại nhà, không ra ngoài, tránh tiếp xúc, góp phần làm giảm nguy cơ lây lan.

Các Trung tâm y tế đã ký hợp đồng với 246 F0 khỏi bệnh tham gia điều trị F0 tại các khu cách ly, điều trị, tại nhà. Từ ngân sách và nguồn vận động tỉnh đã trang bị hơn 45.000 túi thuốc và đã cấp sử dụng 30.516 túi cho người dân. Vào thời điểm dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, Trạm y tế lưu động đã hoạt động tích cực, hiệu quả góp phần giảm tỷ lệ tử vong. Để các Trạm y tế lưu động hoàn thiện và thực hiện tốt hơn nữa chức năng chăm sóc sức khỏe nhân dân, hỗ trợ phòng chống dịch, ông Phạm Văn Chánh – Chủ tịch HĐND tỉnh này cho rằng các xã trên 100.000 dân cần có từ 5-6 Trạm y tế ; bố trí đầy đủ nhân lực y bác sĩ; thực hiện tốt việc tiếp nhận thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin khi người dân gọi phải nhanh chóng định vị; xử lý kịp thời. Ngoài xử lý F0 Trạm y tế còn phải có nhiệm vụ chăm sóc sức khảo nhân dân, cấp cứu kịp thời các trường hợp nặng xử lý chuyển viện".

Bên cạnh đó, để đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc phục hồi sản xuất cũng như hỗ trợ các công ty xử lý khi có F0, ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tăng tốc thành lập Trạm y tế trong khu công nghiệp, Các công ty, xí nghiệp cần phối hợp với lực lượng y tế địa phương để người lao động được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất. Ban quản lý các khu công nghiệp, chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp phối hợp xử lý tốt các trường hợp F0 trong doanh nghiệp; cố gắng động viên doanh nghiệp có chỗ xử lý điều trị F0 tại nhà máy; triển khai để doanh nghiệp mua qua phân phối để có giá tốt; Sở Y tế có chỉ đạo giảm giá xét nghiệm PCR cho doanh nghiệp.

Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi - Bí thư tỉnh ủy đánh giá, với sự phấn đấu của cả hệ thống chính trị, đến nay Bình Dương cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhiệm vụ hàng đầu của tỉnh hiện nay là phục hồi sản xuất gắn với kiểm soát ổn định dịch bệnh. Do đó từng cấp, từng ngành phải tập thực hiện tốt từng mục tiêu; các chính sách; kiểm soát dịch phục hồi sản xuất. Bình Dương đã có kinh nghiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành chống dịch; cơ bản đã xây dựng hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe; ý thức người dân đã được nâng lên, công nghệ thông tin tuyên truyền… Đây là những nền tảng để Bình Dương tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong thời gian tới. Đồng thời, Bí thư yêu cầu giai đoạn tiếp theo các địa phương cần kiện toàn, củng cố, nâng chất Tổ Covid-19 cộng đồng, Trạm y tế lưu động bao phủ trong cộng đồng cho đến phân xưởng; cố gắng đến ngày 30/10/2021 các địa phương phải hoàn thành bao phủ Trạm y tế lưu động trong doanh nghiệp, khu công nghiệp để người dân tiếp cận sớm nhất dịch vụ y tế. Sử dụng các trụ sở làm Trạm y tế lưu động; tuyến huyện, tỉnh chủ động nâng cấp các tầng điều trị để chuẩn bị cho công tác phục vụ sức khỏe nhân dân và phòng, chống dịch lâu dài.



Hạ Duyên
Ý kiến của bạn