Bình ổn giá và nguồn cung - Doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong phòng, chống dịch Covid-19

Thị trường
10:10 AM 13/08/2020

Thị trường đã bình ổn trở lại, nguồn cung hàng hóa vẫn dồi dào cùng với sự tin tưởng của người dân vào công tác điều hành, kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ nên không còn tâm lý tích trữ hàng hóa, việc đổ xô đi mua hàng tích trữ đã giảm mạnh.

Hiện tại, thị trường hàng hóa gần như đã trở lại trạng thái bình thường, nguồn cung hàng hóa tại các siêu thị, các chợ khá dồi dào, giá ổn định, sức mua như những ngày bình thường.

Thị trường hàng hóa chịu ảnh hưởng lớn của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu hàng hóa tập trung cao vào mặt hàng phục vụ phòng chống dịch như khẩu trang, nước sát khuẩn, thuốc phòng, chữa bệnh… và một số mặt hàng thực phẩm đồ khô, thực phẩm chế biến sẵn. Do tâm lý lo ngại và có những thời điểm hoang mang của người dân trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam và các nước nên thị trường hàng hóa đã có những giai đoạn bất ổn cục bộ. Nhờ nhận định sớm tình hình, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã chủ động có phương án chỉ đạo các địa phương, doanh nghiệp sớm có kế hoạch ứng phó với các tình huống diễn biến của thị trường nên đã xử lý nhanh các biến động của thị trường.

Thời điểm đầu của dịch bệnh, người dân có tâm lý đổ xô đi mua hàng tích trữ, để bảo đảm nguồn cung hàng hóa, nhu yếu phẩm phục vụ tiêu dùng của người dân, Bộ Công thương đã kịp thời triển khai một số hoạt động như: Yêu cầu các doanh nghiệp phân phối có hệ thống siêu thị khẩn trương triển khai phương án tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoại thành để tăng lượng cung ứng cho địa bàn nội thành; Chỉ đạo bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra đôn đốc các doanh nghiệp phân phối triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường; phối hợp ngay với cơ quan báo chí thông tin về nguồn cung và các biện pháp triển khai để nhanh chóng ổn định tâm lý thị trường.

Bình ổn giá và nguồn cung - Doanh nghiệp đồng hành cùng Nhà nước trong phòng, chống dịch Covid-19 - Ảnh 1.

Hàng nhu yếu phẩm được đảm bảo cung ứng đầy đủ kể cả trong dịch bệnh. (Ảnh: ST)

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng tích cực phối hợp với việc cung cấp và phân phối hàng hóa thiết yếu, tại các điểm vừa bùng phát dịch, lượng khách hàng lớn, doanh nghiệp đưa các mặt hàng phòng, chống Covid-19 như nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang ra chỗ dễ nhìn, dễ thấy để người tiêu dùng thuận tiện lựa chọn. Ngoài hệ thống các điểm bán hàng cố định, các doanh nghiệp còn phát triển hệ thống bán hàng lưu động phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Lần này, với kinh nghiệm từ việc chuẩn bị hàng hóa từ đợt dịch trước, phía các doanh nghiệp cũng đã lên kế hoạch và làm việc với các nhà cung ứng, đẩy mạnh dự trữ hàng hóa. Ngoài dự trữ hàng hóa tại siêu thị, doanh nghiệp còn dự trữ hàng hóa tại các kho hàng. Công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.

Hiện tại, nhờ công tác bình ổn giá và dự trữ hàng hóa tốt ngay sau đợt bùng phát dịch bệnh lần 1 của các cơ quan chức năng, lượng hàng khẩu trang đến từ nhiều nhà sản xuất khẩu trang y tế đã trở nên dồi dào. Nhờ công tác khống chế giá thành, kiên quyết phạt nặng những kẻ đầu cơ tích trữ chờ tăng giá, hiện khẩu trang không còn tình trạng bị đội giá, khan hiếm như trước.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp trên, các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm túc việc tăng dự trữ hàng hóa 300%; chủ động làm việc với các nhà cung cấp để có đủ nguồn hàng dự trữ để có thể đưa ra khi nhu cầu người dân tăng cao cũng như dự trữ hàng hóa đầy đủ trong kho. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng đã xây dựng kịch bản cụ thể trong phòng, chống dịch Covid-19 hướng dẫn cho nhân viên trong doanh nghiệp và khách hàng, nhà cung ứng và được triển khai đồng bộ trên toàn hệ thống.

Các doanh nghiệp cũng tiếp thu ý kiến không chỉ bảo đảm công tác phòng, chống dịch đối với nhân sự, người tiêu dùng, nhà cung cấp trong việc mua bán trực tiếp, hàng hóa được vận chuyển đi cũng cần phải được bảo đảm công tác phòng, chống dịch, nhất là qua kênh bán hàng online, tránh bị lây nhiễm từ việc vận chuyển hàng hóa này đến từ các tỉnh/thành phố có dịch.

Trong đợt dịch Covid-19 trước, số tỉnh thành có ca nhiễm thấp, nhưng lần này số ca nhiễm khá nhiều. Do đó, các doanh nghiệp cũng cần thường xuyên rà soát các phương án phòng, chống dịch, để đưa các giải pháp mới phù hợp với tình hình dịch hiện nay. Việc thu mua vận chuyển hàng hóa về kho và từ kho đến hệ thống phân phối cần đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch tốt hơn nữa.

Trong điều kiện hoạt động mua bán hàng hóa diễn ra bình thường, với đặc thù là nước có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp (với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng top đầu thế giới như gạo và một số nông thủy sản) đã và đang phát triển khá tốt các ngành công nghiệp nhẹ (như đường, sữa, dầu ăn…) nên nguồn cung các hàng hóa thực phẩm thiết yếu và hàng tiêu dùng của Việt Nam, về cơ bản năng lực sản xuất trong nước đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Chỉ cần tâm lý người dân không hoang mang, không có hiện tượng đổ xô đi mua tích trữ, hàng hóa sẽ luôn được cung ứng đầy đủ cho người tiêu dùng, không để hiện tượng khan hiếm hàng hóa.

Hạ Duyên
Ý kiến của bạn