Bình Phước: Khám phá Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo
Ngoài bộ đàn đá dạng “khủng” nặng 20 tấn, tại Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo còn có bộ cồng chiêng nặng hơn 3,5 tấn.
Từ TP. Hồ Chí Minh lên Bom Bo (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước), nếu di chuyển bằng xe ô tô theo Quốc lộ 14 phải mất hơn 3 giờ đồng hồ (khoảng 150-160 km).
Bom Bo là địa danh lịch sử nổi tiếng, biểu tượng của tình quân dân thắm thiết trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Theo "Địa chí Bình Phước", vào những năm đầu 1960, khi chính quyền tay sai của Mỹ dồn dân lập ấp chiến lược, người dân sóc Bom Bo (lúc đó thuộc quận Đức Phong, tỉnh Phước Long), kiên quyết không vào ấp chiến lược mà lặng lẽ băng rừng vào căn cứ "Nửa Lon" ở xã Đắk Nhau, lập ra sóc cũng mang tên Bom Bo.
Khi Bộ Chỉ huy Miền mở Chiến dịch Phước Long - Đồng Xoài vào năm 1965 nhằm tiêu diệt sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, phá ấp chiến lược, mở rộng địa bàn giải phóng, sóc Bom Bo thành nơi tiếp tế lương thực cho bộ đội tham gia chiến dịch.
Với khẩu hiệu "Toàn sóc Bom Bo giã gạo nuôi quân", nên tất cả già trẻ, trai gái tập trung giã gạo tiếp tế bộ đội. Để giã gạo vào ban đêm, người dân dùng cây lồ ô khô đốt làm đuốc dựng gần các cối, mỗi cối giã gạo có 2-4 người thay phiên nhau.
Là người trực tiếp tham gia chiến dịch, chứng kiến cảnh giã gạo, nghe những âm thanh từ cối giã, ánh lửa bập bùng trong đêm… đã trở thành nguồn cảm hứng để nhạc sĩ Xuân Hồng vào năm 1966 sáng tác bài hát nổi tiếng "Tiếng chày trên sóc Bom Bo".
Sau ngày đất nước thống nhất, năm 1989 đồng bào S'Tiêng từ xã Đắk Nhau trở về chốn cũ lập lại sóc Bom Bo. Sau đó huyện Bù Đăng (tỉnh Bình Phước) quy hoạch các cụm và vùng dân cư, tên sóc Bom Bo được đặt làm tên xã Bom Bo (huyện Bù Đăng), còn sóc Bom Bo đổi thành thôn 1 (xã Bình Minh, huyện Bù Đăng).
Ngày 21/10/2010, UBND tỉnh Bình Phước có Quyết định 2441/QĐ-UBND lập Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S'Tiêng sóc Bom Bo với tổng diện tích 113,4 ha, kinh phí đầu tư gần 200 tỷ đồng. Khu bảo tồn được thiết kế theo đặc thù văn hóa của đồng bào S'Tiêng, gồm: 2 nhà dài, khu làng nghề truyền thống tái hiện các ngành nghề thủ công của đồng bào (dệt thổ cẩm, rèn, làm rượu cần...), khu sinh hoạt cộng đồng, khu nghỉ dưỡng, bãi đỗ xe của du khách...
Đến năm 2012, thể theo nguyện vọng của người dân địa phương, tỉnh Bình Phước quyết định đổi tên thôn 1 thành thôn Bom Bo, thuộc xã Bình Minh.
Năm 2020, nghệ nhân Trương Đình Chiếu đã chế tác và tặng cho Khu bảo tồn bộ đàn đá được xác nhận là nặng và lớn nhất Việt Nam. Bộ đàn đá gồm 20 thanh, thanh đá nhẹ nhất 250 kg, thanh nặng nhất 400 kg. Đến năm 2021, tỉnh Bình Phước đưa thêm bộ Cồng gồm 6 chiếc có tổng trọng lượng 1.830 kg và bộ Chiêng gồm 6 chiếc có tổng trọng lượng 1.685 kg đặt trong Khu bảo tồn để biểu diễn vào những dịp lễ phục vụ du khách.
Mới đây, chia sẻ với báo chí, bà Trần Tuyết Minh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều điểm du lịch hoang sơ, chưa khai thác hết như: Vườn Quốc gia Bù Gia Mập (huyện Bù Gia Mập); Khu căn cứ Tà Thiết (huyện Lộc Ninh); trảng cỏ Bù Lạch (huyện Bù Đăng). Nguyên nhân là do chưa có đơn vị chuyên nghiệp nào tổ chức các tour, chủ yếu là các nhóm du khách từ các địa phương đi du lịch tự phát.
Mặc dù chưa khai thác hết tiềm năng du lịch của tỉnh, nhưng hoạt động du lịch nội địa của Bình Phước trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả khả quan. Tổng số lượt khách tham quan đạt 383.215 lượt, tăng 20,97% so với cùng kỳ và đạt 47,56% kế hoạch năm. Trong đó, khách nội địa 379.980 lượt khách; khách quốc tế 3.235 lượt khách. Tổng thu du lịch đạt 199,2 tỷ đồng, tăng 53,78% so với cùng kỳ năm 2022 và đạt 42,38% kế hoạch năm.
Bộ đàn đá nặng 20 tấn, gồm 20 thanh được xem là lớn nhất Việt Nam được nghệ nhân Trương Đình Chiếu tặng cho Khu Bảo tồn văn hóa dân tộc S’Tiêng sóc Bom Bo.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.