Bình Phước: Vì sao người dân tố cáo Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú (giai đoạn 2002-2020)?

Địa phương
05:00 PM 12/05/2021

Không ban hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích được phê duyệt quy hoạch xây dựng Trung tâm hành chính (TTHC) xã. Cưỡng chế thu hồi đối với diện tích không nằm trong sơ đồ quy hoạch. Sau khi cưỡng chế, đã lấy diện tích đất thu hồi của dân để phân lô, bán nền. Đó là những nội dung đơn thư mà người dân ở huyện Đồng Phú đang đặt lên bàn các cơ quan chức năng, tố cáo Chủ tịch UBND huyện chưa làm tròn trách nhiệm của mình.

Thu hồi đất, nhưng không ban hành quyết định cho dân

Sự việc xảy ra tại xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Người bị thiệt hại là ông Lê Khương Trân (SN 1957, ngụ tổ 2, ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú).

Theo đơn của ông Trân gửi tòa soạn Tạp chí DN&TT, sau khi từ ngoài Bắc vào lập nghiệp ở tỉnh Bình Phước, gia đình ông gom góp mua được miếng đất rẫy diện tích 22.929m2 tại tổ 2, ấp Đồng Chắc, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú. Ngày 27/6/2001, gia đình ông Trân được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) số S214000, vào sổ cấp giấy CNQSDĐ số 322 SDĐ/362/QĐ-UB(H).

Năm 2002, UBND xã Tân Hòa thông báo một phần diện tích đất của gia đình ông Trân nằm trong dự án xây dựng Trung tâm hành chính (TTHC) xã Tân Hòa, nhưng lại không giao quyết định thu hồi đất. Sau đó, cơ quan chức năng huyện Đồng Phú cứ thế kiểm kê, áp giá đền bù tài sản gắn liền với quyền sử dụng đất (QSDĐ) diện tích 17.166m2 của gia đình ông Trân với số tiền 90.982.700 đồng (bồi thường QSDĐ là 54.931.200 đồng, tài sản là 36.051.500 đồng). Ông Trân không chấp nhận và bắt đầu khiếu nại.

Bình Phước: Vì sao người dân tố cáo Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú (giai đoạn 2002-2020)? - Ảnh 1.

Ông Lê Khương Trân bên mảnh đất của mình bị UBND huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước ra quyết định thu hồi với danh nghĩa xây TTHC xã Tân Hòa, nhưng sau đó phân lô bán nền!

Ngày 30/1/2007, Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú ban hành Quyết định 306/QĐ-UBND bác khiếu nại của ông Trân nên ông Trân khiếu nại tiếp lên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước. Ngày 11/3/2008, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định 472/QĐ-CTUBND bác khiếu nại của ông Trân và thừa nhận UBND huyện Đồng Phú không ban hành quyết định thu hồi đất. Vì vậy, mặc dù UBND huyện Đồng Phú tổ chức cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông Trân nhưng ông kiên quyết giữ đất, và tiếp tục quản lý, sử dụng đến nay (trừ phần diện tích khoảng 100m2, đã được sử dụng xây Trường Mầm non xã Tân Hòa).

Trao đổi với phóng viên, ông Trân cho biết do không nhận được quyết định thu hồi đất nên ông không biết gia đình mình bị thu hồi bao nhiêu, vị trí nằm ở đâu? Trong khi đó, dự án xây dựng TTHC xã Tân Hòa đã thực hiện xong từ lâu. Ông đã gửi đơn đến UBND huyện Đồng Phú yêu cầu họ cung cấp quyết định thu hồi đất, bản đồ quy hoạch TTHC xã Tân Hòa để làm cơ sở xác định diện tích đất sử dụng hợp pháp của gia đình ông có nằm trong quy hoạch hay không?

Quyết định thu hồi đất dựa trên… quyết định duyệt giá!

Ngày 16/8/2019, UBND huyện Đồng Phú ban hành Văn bản 1808/UBND-TDC, hướng dẫn ông Trân liên hệ Trung tâm lưu trữ để được cung cấp văn bản, trong đó có "Quyết định thu hồi đất số 1073/QĐ-UB ngày 23/5/2005" (Quyết định 1073 - PV) của UBND huyện Đồng Phú. Sau khi được Trung tâm lưu trữ cung cấp các Quyết định 1073, Quyết định 2557 ngày 8/11/2004 và Quyết định 2632 ngày 18/11/2004 của UBND huyện Đồng Phú về phê duyệt phương án và dự toán chi phí đền bù quy hoạch TTHC xã Tân Hòa. Ông Trân khởi kiện vụ án hành chính, đề nghị TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy một phần Quyết định 1073 của UBND huyện Đồng Phú về việc thu hồi của gia đình ông 17.166m2 đất, theo giấy CNQSDĐ số S214000 nêu trên.

Lý do ông Trân khởi kiện vì: Quyết định 1073 được ban hành không căn cứ vào quyết định phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (SDĐ) chi tiết của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chi tiết SDĐ xây dựng TTHC xã Tân Hòa. Quyết định 1073 ban hành dựa vào các Quyết định 2557 và Quyết định 2632 là không đúng vì đó là các quyết định phê duyệt chi phí bồi thường thiệt hại về quyền sử dụng đất (QSDĐ), tài sản gắn liền trên đất chứ không phải là quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết SDĐ.

Một lý do khác, đó là diện tích đất gia đình ông Trân bị cưỡng chế thu hồi đã được sử dụng không đúng mục đích. Bởi lẽ thực tế đến nay, mới chỉ có khoảng 100m2 được đưa vào xây dựng Trường Mầm non xã Tân Hòa. Số còn lại một phần bị phân lô bán nền, một phần vẫn đang do gia đình ông Trân quản lý, sử dụng (khoảng 8.000m2).

Vụ việc được Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bình Phước thụ lý vụ án, nhưng sau đó lại bị đình chỉ giải quyết với lý do… "hết thời hiệu khởi kiện". Ông Trân kháng cáo vụ việc lên TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh cũng bị họ bác kháng cáo. Hiện ông Trân đã gửi đơn đề nghị TAND Tối cao giám đốc thẩm ra quyết định kháng nghị quyết định đình chỉ vụ án của TAND tỉnh Bình Phước.

Đồng thời với động thái nói trên, ngày 14/9/2020, ông Trân đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng tố cáo Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú (giai đoạn 2002-2020) đã vi phạm các quy định về quản lý đất đai, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông. Theo đó, các ông Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú giai đoạn nói trên đã không ban hành quyết định thu hồi đất đối với diện tích đất được phê duyệt quy hoạch xây dựng TTHC xã Tân Hòa; cưỡng chế thu hồi đất đối với diện tích đất không nằm trong sơ đồ quy hoạch xây dựng TTHC xã; sử dụng đất cưỡng chế, thu hồi không đúng mục đích (sau khi cưỡng chế đã lấy diện tích đất của gia đình ông để phân lô bán nền); không gửi các quyết định hành chính cá biệt cho người có đất bị thu hồi, dẫn đến khi người dân đi trích lục được quyết định hành chính cá biệt và khởi kiện thì bị Tòa án kết luận đã hết thời hiệu khởi kiện.

Sử dụng đất thu hồi sai mục đích

Ngày 10/10/2020, ông Trân nhận được Thông báo 588/TB-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước (do ông Huỳnh Anh Minh - Phó Chủ tịch tỉnh ký ngày 7/10/2020). Nội dung thông báo viết: "Ông Lê Khương Trân tố cáo Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú vi phạm các quy định về quản lý đất đai, gây thiệt hại đến quyền lợi ích hợp pháp của công dân là xuất phát từ việc ông Trân khiếu nại Quyết định 2632/QĐ-UBND ngày 18/11/2004 của UBND huyện Đồng Phú về việc phê duyệt phương án giải tỏa áp giá đền bù, thu hồi đất của gia đình ông. Nội dung khiếu nại của ông đã được Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết lần 2 tại Quyết định 472/QĐ-UBND ngày 11/3/2008, bác đơn khiếu nại. Không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại trước đây của UBND huyện Đồng Phú, UBND tỉnh Bình Phước và việc không được Tòa án thụ lý giải quyết vụ án hành chính, ông Trân có đơn tố cáo Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú có hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Căn cứ hồ sơ và tài liệu gửi kèm theo đơn, ông Trân không nêu rõ tên người bị tố cáo, không cung cấp được tài liệu, chứng cứ… Vậy, Chủ tịch UBND tỉnh thông báo không xem xét, thụ lý, giải quyết đối với nội dung đơn tố cáo của ông Lê Khương Trân".

Ông Trân không đồng ý với nội dung văn bản nói trên với lý do: Việc Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước từ chối thụ lý đơn tố cáo là không đúng. Vì đối tượng bị tố cáo là Chủ tịch UBND huyện Đồng Phú giai đoạn 2002-2020, với tư cách đại diện theo pháp luật của UBND huyện, chứ không phải một con người cụ thể. Thế nhưng, Thông báo 588 cho rằng ông không nêu rõ tên người bị tố cáo để từ chối là phi lý. Vì vậy ông đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước xem xét, thu hồi Thông báo 588 và tiến hành thụ lý, giải quyết đơn tố cáo của ông.

Trong lúc sự việc chưa được giải quyết, thì đột nhiên, bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1990, ngụ khu phố Tân Liên, thị trấn Tân Phú, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) thuê xe chở đất đến đổ lên diện tích đất 409,5m2, đã và đang do gia đình ông Trân quản lý sử dụng theo giấy CNQSDĐ gia đình ông Trân được cấp vào năm 2001 vẫn không bị thu hồi, không bị điều chỉnh diện tích, vẫn còn giá trị pháp lý (!).

Tòa soạn Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị trân trọng kính chuyển đơn của ông Lê Khương Trân đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết thấu tình đạt lý để gia đình ông có thể lấy lại quyền lợi hợp pháp.

Yến Thanh
Ý kiến của bạn
Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới

Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút vốn FDI cả năm 2024 đạt gần 38,23 tỷ USD, con số này đưa Việt Nam thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút FDI lớn nhất thế giới; đặc biệt vốn FDI thực hiện khoảng 25,35 tỷ USD, tăng 9,4%, cao nhất từ trước đến nay. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32 thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2023.