Bình Thuận: Đẩy mạnh Chương trình OCOP năm 2021
Qua hơn một năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương, góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Tiếp tục phát huy lợi thế đó, Chủ tịch UBND tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai đẩy mạnh thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm trong năm 2021.
Năm 2019, UBND tỉnh Bình Thuận đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP năm 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Chương trình OCOP tỉnh Bình Thuận nhằm mục đích góp phần phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ quan trọng trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống, tăng thu nhập của người dân khu vực nông thôn và thành thị trên địa bàn tỉnh.
Sau khi kết thúc chương trình đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận sẽ phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, hỗ trợ phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 - 4 sao cấp tỉnh nhằm phát triển đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường, làm tiền đề để xây dựng chuỗi giá trị nông sản, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đạt cấp quốc gia (5 sao).
Qua hơn một năm triển khai, các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tập trung vào các nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược như: Quả thanh long tươi, thanh long sấy dẻo, siro thanh long, rượu vang thanh long, nước mắm truyền thống, gạo, hạt điều rang muối…
Hiện nay, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện cho 10 huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, tỉnh có 73/82 sản phẩm đạt yêu cầu (22 sản phẩm 4 sao; 51 sản phẩm 3 sao; 01 sản phẩm 2 sao).
Trong 73 sản phẩm cấp huyện có 68 sản phẩm đạt 3-4 sao được UBND cấp huyện đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm cấp tỉnh tổ chức thẩm định, đánh giá công nhận sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh năm 2020. Kết quả có 26 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, còn lại 30 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Tiếp tục những kết quả đã đạt được, năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung thực hiện các giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, lao động, ngành nghề và du lịch nông thôn. Từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 theo các quy định đã được ban hành.
Ngoài ra, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận có nhiệm vụ phối hợp với các địa phương chủ động đề xuất thực hiện, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm theo Chương trình OCOP Bình Thuận tại hội chợ, triễn lãm...; cập nhật thông tin thị trường trong nước và quốc tế liên quan đến sản phẩm OCOP; thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động thương mại đối với hệ thống trung tâm, điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP Bình Thuận trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ sản xuất, kinh doanh các sản phẩm OCOP xây dựng website thương mại điện tử, tham gia các kênh quảng bá trực tuyến, các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu sản phẩm và bán hàng qua mạng.
Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Thuận phối hợp với các sở, ngành, địa phương hỗ trợ các tổ chức kinh tế, người nông dân áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tổng hợp đề xuất nhiệm vụ khoa học, công nghệ hàng năm; hỗ trợ các địa phương đăng ký sở hữu trí tuệ sản phẩm OCOP, tư vấn định hướng phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP…
Hạ Duyên (t/h)Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.