Bình Thuận nỗ lực hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công

Địa phương
09:28 PM 19/09/2020

Theo số liệu mới nhất do Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Thuận công bố, cho đến nay, tỉnh này đã giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ 54,44%. Đây là mức giải ngân được cho là khá so với nhiều năm trước, tuy nhiên để đạt mục tiêu đã đặt ra, đòi hỏi địa phương phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ này.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai đặt ra: Đến cuối tháng 6/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt 50% kế hoạch, đến cuối tháng 9 đạt 60% kế hoạch, đạt 100% kế hoạch vốn khi kết thúc năm 2020.

Tính đến thời điểm hiện tại, tổng kế hoạch vốn đầu tư công trong nước năm 2020, bao gồm vốn ngân sách tỉnh và vốn Trung ương hỗ trợ là 2.754.093 triệu đồng. Địa phương đã phân khai chi tiết đến ngày 30/6/2020 là 2.148.756 triệu đồng. Tính đến ngày 10/9/2020, đã giải ngân 1.169.732 triệu đồng, đạt 54,44% so với kế hoạch vốn đã phân khai chi tiết đến 30/6/2020; ước giải ngân đến 30/9/2020 là 1.310.000 triệu đồng đạt tỷ lệ 60,97% so với kế hoạch vốn đã phân khai chi tiết đến 30/6/2020.

Trong năm 2020, Bình Thuận có 6 công trình trọng điểm với tổng kế hoạch vốn là 234.602 triệu đồng. Tính đến ngày 10/9/2020, các công trình này đã giải ngân 136.943 triệu đồng, đạt 58,37% kế hoạch. Nhìn chung, các chủ đầu tư đã triển khai thực hiện quyết liệt đồng bộ các giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công; có nhiều công trình đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân trên 60%, trong đó: từ ngày 20/8/2020 đến ngày 10/9/2020 giải ngân thêm 123.514 triệu đồng; ngoài ra, theo báo cáo của các chủ đầu tư, khối lượng thực hiện tại các công trình khoảng 192.646 triệu đồng, đang làm thủ tục giải ngân.

Bình Thuận: Nỗ lực hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Tỉnh Bình Thuận đang nỗ lực để đạt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đề ra (hình minh họa)

Bên cạnh các chủ đầu tư có kết quả giải ngân tốt, vẫn còn 4 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân đạt thấp (dưới 40%) cần phải có giải pháp quyết liệt đẩy mạnh công tác giải ngân: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (giải ngân 14,77%), Sở Y tế (giải ngân 14,93%), Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp (giải ngân 8,22%), Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (giải ngân 34,35%, do chủ yếu là công trình mới phân khai sử dụng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới); đồng thời, nguồn vốn năm 2019 chuyển sang năm 2020 có tỷ lệ giải ngân thấp (giải ngân 26,67%).

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, vào cuộc một cách quyết liệt của các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư. Nhờ tháo gỡ khó khăn một cách hiệu quả cho các dự án, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã được đẩy nhanh và đạt được kết quả tích cực so với mọi năm.

Trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương, các chủ đầu tư tiếp tục phát huy kết quả đạt được để tập trung tháo gỡ khó khăn kịp thời, đẩy nhanh tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Từng chủ đầu tư, huyện, thị xã, thành phố phải phân công trách nhiệm  cho từng đồng chí lãnh đạo trực tiếp theo dõi tiến độ thực hiện giải ngân từ dự án, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao. Gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị với kết quả giải ngân, coi đây là căn cứ quan trọng để xem xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2020. Địa phương, đơn vị nào nếu không đạt tỷ lệ giải ngân 100% trong năm nay phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

Đối với các công trình trọng điểm, liên quan đến việc điều chỉnh quy mô vốn, phải nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, tổ chức thẩm định, tập trung cao độ giải quyết các vướng mắc có liên quan. Đối với các công trình trọng điểm do Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Giao thông vận tải, Chủ tịch UBND các địa phương khẩn trương đảm bảo mặt bằng, đảm bảo tiến độ khởi công theo đúng yêu cầu đặt ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu giám đốc các sở, ban, ngành các chủ đầu tư khẩn trương rà soát, đẩy nhanh tiến độ hồ sơ đối với các công trình đã được HĐND tỉnh bổ sung vào Kế hoạch đầu tư công để sớm triển khai thi công ngay trong năm nay.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phải đảm bảo chất lượng công trình theo đúng yêu cầu đặt ra. Tiếp tục rà soát lại kế hoạch vốn năm 2020, nếu dự án, công trình này không đủ điều kiện giải ngân trong năm 2020, phải nhanh chóng báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời thông tin với các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn.

Hạ Duyên
Ý kiến của bạn
Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024 Standard Chartered: Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,8% năm 2024

Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.