Bình Thuận: Phấn đấu có 156 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên

Địa phương
11:49 AM 22/11/2021

Với mục tiêu đưa Chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng ở khu vực nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, trong giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các địa phương tập trung phát triển các sản phẩm mang tính cộng đồng, sản phẩm chế biến sâu, chủ lực có lợi thế ở các địa phương. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 156 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên.

Theo đó, ngoài 156 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, thì tỉnh Bình Thuận cố gắng đề 05 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 5 sao; số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên là 100 chủ thể; tỷ lệ chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định là 30% so với tổng số lượng chủ thể có sản phẩm OCOP được công nhận.

Để đạt được các mục tiêu trên, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh sẽ tập trung triển khai các mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP theo chỉ đạo của Trung ương và của UBND tỉnh Bình Thuận. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị tư vấn hỗ trợ cho chủ thể thực hiện các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, bao gồm quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, HACCP, ISO, thiết kế bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký sở hữu trí tuệ, mã số, mã vạch, câu chuyện sản phẩm… 

Theo đó, mô hình xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm OCOP xanh, Thanh Long gắn với vùng nguyên liệu tại Bình Thuận theo hướng kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp hữu cơ sẽ được triển khai thực hiện tại các xã của huyện Hàm Thuận Nam và huyện Hàm Thuận Bắc trên diện tích khoảng 100 ha; quy trình kỹ thuật áp dụng theo hướng hữu cơ, GAP, kinh tế tuần hoàn.

Bình Thuận: Phấn đấu có 156 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên  - Ảnh 1.

Điểm Văn hóa du lịch làng nghề truyền thống nghề gốm Chăm Bình Đức là làng nghề truyền thống được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (ảnh minh họa)

Mô hình thí điểm sản phẩm OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng, như mô hình Làng Văn hóa du lịch kiểu mẫu xã Long Hải, huyện Phú Quý nhằm giới thiệu điểm di tích văn hóa, dịch vụ du lịch ăn uống và nghỉ dưỡng. Mô hình Điểm Văn hóa du lịch làng nghề truyền thống nghề gốm Chăm Bình Đức tại xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình nhằm giới thiệu điểm tham quan làng nghề truyền thống được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Mô hình Du lịch nông nghiệp và trồng gừng, kết hợp trồng cây sâm cau đen dưới tán cây trong khu du lịch sinh thái tại Thôn Phú Nhang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc với tổng diện tích 4 ha của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Thương mại Minh Khôi.

Mô hình Nâng cao năng lực sơ chế và chế biến Nước cốt Thanh long đỏ lên men tại xã Hải Ninh, huyện Bắc Bình, định hướng sản phẩm OCOP đạt 5 sao, quy mô sản lượng khoảng 1.500 - 2.000 thùng (1 thùng 6 lít), dự kiến nội dung hỗ trợ là xây dựng nguồn nguyên liệu, vùng trồng hữu cơ, duy trì cơ cơ sở chế biến HACCP, máy móc thiết bị trong chế biến và năng lực tiêu thụ.

Hạ Duyên
Ý kiến của bạn