Bình Thuận: Tháo gỡ khó khăn, chào đón khách du lịch trở lại trong trạng thái "bình thường mới"
Ngày 24/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận - Nguyễn Minh có buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch tỉnh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để phục hồi ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Cùng với đó là chương trình chào đón khách đầu tiên đến Bình Thuận trong giai đoạn "bình thường mới".
Sau gần 2 năm ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19, ngành Du lịch Bình Thuận bị ảnh hưởng rất nặng nề. Theo thống kê có khoảng 50.000 lao động của ngành du lịch bị ảnh hưởng, gần 100% cơ sở lưu trú tạm ngưng hoạt động. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, đa số doanh nghiệp vẫn phải duy trì gần bằng 1/3 (khoảng 20% - 25%) lao động để trùng tu, bảo dưỡng cơ sở, duy trì nguồn nhân lực và vẫn tiếp tục kết nối với thị trường với mục tiêu có thể mở cửa hoạt động trở lại khi điều kiện cho phép.
Tại buổi làm việc, nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đề nghị tỉnh có một số giải pháp hỗ trợ cho ngành du lịch như hạn chế kiểm tra hành chính trong thời điểm hiện nay để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi; giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp du lịch; hỗ trợ tiêm vắc xin cho toàn bộ lao động du lịch…
Để sớm phục hồi ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bình Thuận cho rằng, cần tập trung xây dựng khu du lịch an toàn và điểm đến an toàn. Yếu tố cơ bản đó là 100% lao động trong khu du lịch được tiêm đủ vắc xin Covid-19; trên 70% người dân trong khu du lịch trọng điểm được tiêm đủ vắc xin Covid-19. Ông Khoa cũng cho rằng, dự báo nhu cầu thị trường du khách trong thời gian tới chủ yếu là thành phố Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ. Do đó, cần kết nối với thị trường trọng điểm tại thành phố Hồ Chí Minh cụ thể doanh nghiệp kết nối doanh nghiệp, Hiệp hội kết nối Hiệp hội, điểm đến kết nối điểm đến.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ kép “vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch”, ngành Du lịch tỉnh này đang khẩn trương xây dựng kế hoạch quảng bá, truyền thông phục hồi du lịch và xây dựng điểm đến an toàn trong 3 tháng cuối năm 2021. Theo đó, hình thức quảng bá phù hợp với xu hướng và tình hình thực tế hiện nay như: Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu điểm đến du lịch thông qua việc quét mã QR, quảng bá du lịch trên các kênh truyền thông, mạng xã hội, truyền thông về quy trình đón khách an toàn (bằng video), xây dựng chương trình “du lịch trực tuyến” hướng đến du khách nội địa…
Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và tập trung triển khai các chương trình kích cầu du lịch nội địa gắn truyền thông giới thiệu hình ảnh điểm đến Bình Thuận “An toàn - Thân thiện - Chất lượng”. Triển khai thực hiện kế hoạch của tỉnh về đảm bảo an toàn, an ninh trong hoạt động du lịch ở trạng thái “bình thường mới” để phục hồi ngành du lịch.
Cũng trong ngày 24/10, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức chương trình chào đón khách đầu tiên đến Bình Thuận trong giai đoạn bình thường mới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Minh đã đến dự và tặng hoa chào đón du khách.
Việc chào đón du khách đầu tiên nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, từng bước phục hồi hoạt động, mở cửa ngành Du lịch đảm bảo an toàn, linh hoạt với điều kiện “Bình thường mới”, đồng thời thực hiện kế hoạch đón khách du lịch nội địa và người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - ông Nguyễn Minh cho biết, đây là hoạt động rất có ý nghĩa trong thời gian dài du lịch Bình Thuận tạm dừng hoạt động do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị trong thời gian tới các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh sẽ nỗ lực hoàn thành các điều kiện để tổ chức đón khách nhiều hơn nữa, góp phần đưa du lịch Bình Thuận sớm khôi phục.
Dịp này Bình Thuận có 3 cơ sở lưu trú đủ điều kiện đón khách là Anantara Mũi Né, Centara Mirage Mũi Né và Pandanus Resort đón khoảng 120 du khách đến nghỉ dưỡng tại Bình Thuận, đây là các đoàn du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, kỷ niệm 26 năm Ngày Du lịch Bình Thuận, ngành Du lịch còn có nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, vừa tri ân khách hàng, đối tác, truyền thông đã có đóng góp vào sự phát triển của ngành, vừa thực hiện chiến dịch truyền thông điểm đến du lịch hấp dẫn và đảm bảo an toàn đón khách ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hạ DuyênTheo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.