Bình Thuận: Triển khai hiệu quả các giải pháp kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do COVID-19
Sau khi dịch bệnh COVID-19 được khống chế, các doanh nghiệp tại Bình Thuận đã nỗ lực khôi phục sản xuất kinh doanh. Cùng với các gói hỗ trợ của Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh tập trung triển khai nhiều giải pháp để kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ
Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận gặp nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Một số doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh yếu đã phải tạm ngưng hoạt động hoặc giải thể.
Số liệu từ Cục Thống kê tỉnh cho thấy: Từ đầu năm đến nay, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 120 doanh nghiệp, tăng 21,21% so với cùng kỳ năm trước; 1.279 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 9,22% so với cùng kỳ năm 2019) với tổng vốn đăng ký là 8.759,62 tỷ đồng (giảm 17,66% so với cùng kỳ năm trước); đã có 254 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng gấp 02 lần so với cùng kỳ năm trước).
Theo thống kê, các nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là do thiếu nguyên nhiên vật liệu, nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế thấp, không tuyển dụng được lao động theo yêu cầu và do gặp khó khăn về vấn đề tài chính.
Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến nền kinh tế, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt 04 nhiệm vụ trọng tâm, bao gồm: Hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đảm bảo an sinh xã hội; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Một trong các chính sách sớm tiếp cận và phủ đều đến các doanh nghiệp trên địa bàn là việc gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất. Theo số liệu từ Cục Thuế tỉnh, đã có 741 đơn vị là doanh nghiệp và tổ chức nộp giấy đề nghị gia hạn nộp thuế các loại và tiền thuê đất với tổng số tiền đề nghị gia hạn là 312.195 triệu đồng.
Các Chi cục Thuế căn cứ vào dữ liệu quản lý, đã chủ động rà soát, phối hợp với UBND cấp xã tuyên truyền, hỗ trợ các hộ kinh doanh thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo quy định, đã tiếp nhận 622 hồ sơ hỗ trợ hộ kinh doanh gặp khó khăn do COVID-19, qua thẩm định có 582 hồ sơ thuộc diện hỗ trợ. Cục Thuế tỉnh đã thực hiện thông báo giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 theo Quyết định số 22/2020/QĐ-TTg ngày 10/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ cho 06 đơn vị với số tiền giảm là 319 triệu đồng; giảm 50% lệ phí trước bạ đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước cho 1.047 xe với số tiền miễn, giảm là 30.810 triệu đồng.
Bên cạnh việc miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp, các gói tín dụng ưu đãi được triển khai trong thời gian qua đã tiếp sức cho doanh nghiệp quay trở lại thị trường. Theo Ngân hàng Nhà nước - chi nhánh tỉnh Bình Thuận cho biết, tính đến ngày 25/11/2020, dư nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 936,4 tỷ đồng/3.995 khách hàng; giảm lãi vay cho 2.703 khách hàng với số tiền lãi được giảm là 1,17 tỷ đồng. Cùng với việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và miễn, giảm lãi vay, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh huy động vốn, triển khai thực hiện các chương trình cho vay mới với lãi suất thấp hơn so với trước khi dịch bệnh xảy ra, doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch từ ngày 23/01/2020 đến nay là 12.371 tỷ đồng/4.723 khách hàng.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ đã tạo ra đòn bẩy để doanh nghiệp nhanh chóng phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Trong năm 2020, tuy số lượng doanh nghiệp giải thể, tạm ngưng hoạt động có tăng, nhưng số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới vẫn tăng cao so với năm 2019. Đây là một tín hiệu tích cực cho thấy việc thực thi tốt các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 đã tác động lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Nhờ có chính sách tốt, doanh nghiệp vẫn an tâm đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh và tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Số vốn đăng ký tuy có giảm trong năm 2020, nhưng phản ánh đúng tâm lý chung của doanh nghiệp, đó là doanh nghiệp chỉ sản xuất, kinh doanh cầm chừng để chờ đợi thị trường tăng trưởng trở lại sau dịch.
Theo kết quả khảo sát được Cục Thống kê tỉnh tiến hành về về xu hướng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn cho thấy: Đa phần các doanh nghiệp tham gia khảo sát đều đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh trong quý III có nhiều chuyển biến tích cực hơn so với quý II. Cụ thể, có 35,21% doanh nghiệp thuộc ngành chế biến, chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn quý trước và 33,8% số doanh nghiệp cho rằng ổn định; có 30,99% số doanh nghiệp đánh giá tình hình hoạt động sản xuất gặp khó khăn.
Đáng chú ý, khi được hỏi về dự kiến tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2020 so với quý III/2020, có đến 78,87% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và tốt hơn, trong đó: Có 54,93% doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt hơn; 23,94% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Có 21,13% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tình hình sẽ khó khăn hơn.
Tập trung thực hiện tốt "mục tiêu kép"
Dự báo trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Tình hình dịch bệnh trong nước đã được khống chế, tuy nhiên vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ nếu lơ là chủ quan. Do đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trọng tâm là 03 trụ cột: Phát triển công nghiệp; du lịch, thể thao biển và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được xác định là nền tảng, động lực, nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với tinh thần xem trọng và lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, UBND tỉnh sẽ quyết liệt chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020, Nghị quyết số 35/NQ-CP, Nghị quyết 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 của Chính phủ về chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp và Kế hoạch số 810/KH-UBND ngày 6/3/2020 của UBND tỉnh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Tập trung thực hiện Kế hoạch số 1338/KH-UBND ngày 08/4/2020 về việc triển khai Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19.
Việc thực hiện tốt "mục tiêu kép" sẽ tạo ra môi trường đầu tư an toàn để doanh nghiệp an tâm quay trở lại thị trường, góp phần ổn định tình hình kinh tế - xã hội tại địa phương trong giai đoạn hiện nay.
Hạ DuyênCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.