Bitcoin lập đỉnh mới trên 65.500 USD
USD tăng trong ngày 20/10 bất chấp "khẩu vị" của các nhà đầu tư đang hướng tới những tài sản rủi ro và đồng yen chạm mức thấp nhất trong vòng 4 năm. Đồng Bitcoin trong khi đó phá vỡ mức cao kỷ lục cũ để lập đỉnh mới.
Chỉ số chứng khoán Châu Âu và Châu Á - Thái Bình Dương hầu hết tăng trong ngày 20/10, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ cũng đạt mức cao nhất 5 tháng, là 1,6630%, nhờ tâm lý gia tăng lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
Chỉ số dollar index - so sánh USD với rổ các đồng tiền chủ chốt - vững ở mức 93,820. Chỉ số này tuần trước đạt mức cao nhất trong vòng một năm là 94,563, do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh hơn dự kiến trước đây.
Các chiến lược gia tiền tệ của ING cho rằng việc USD giảm gần đây có thể do sự kết hợp của việc các nhà đầu tư chốt lời đối với những hợp đồng giao dịch USD kỳ hạn dài, và "một môi trường rủi ro lành mạnh, nơi lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ mạnh mẽ tiếp tục bù đắp cho những lo ngại về vấn đề lạm phát / thắt chặt chính sách tiền tệ".
"Ở giai đoạn này, có vẻ như đồng đô la đang thiếu một số chất xúc tác để ngăn chặn sự điều chỉnh đang diễn ra, và bất kỳ yếu tố hỗ trợ nào dành cho đồng bạc xanh đều có thể cần có thêm môi trường tâm lý chuộng tài sản rủi ro hạ nhiệt", các chuyên gia của ING cho biết, đề cập đến sự cạnh tranh của các tài sản rủi ro gây áp lực lên USD, bất chấp một số dữ liệu kinh tế tích cực của Mỹ, nhất là lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý 3.
Các nhà giao dịch nhận định có nhiều khả năng Fed sẽ bắt đầu cắt giảm kích thích kinh tế ngay trong tháng tới, sau đó là tăng dần lãi suất kể từ năm tới. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm (kỳ hạn gần) của Mỹ giảm mạnh, từ 0,4480% còn 0,4016%, báo hiệu việc nhà đầu tư đặt cược Fed sắp tăng lãi suất. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn gần của Mỹ giảm trái ngược với xu hướng tăng lợi suất trái phiếu ở Anh và New Zealand, thúc đẩy kỳ vọng vào những đồng tiền rủi ro.
Lợi suất trái phiếu New Zealand kỳ hạn 10 năm tăng 5,5 điểm cơ bản lên 2,408%, cao nhất kể từ tháng 1/2019. Lợi suất trái phiếu chính phủ Australia kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất 7 tháng, là 1,864%.
Đồng yen - một tài sản "trú ẩn an toàn" - sáng 20/10 theo giờ Việt Nam giảm xuống mức thấp nhất 4 năm so với USD, là 114,695 JPY, chiều cùng ngày hồi phục nhẹ lên 114,375 JPY. Lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của đồng yen.
Đô la Australia - được coi là đại diện của tiền tệ rủi ro cao - tăng 0,2% vào chiều 20/10 theo giờ Việt Nam, chốt ở 0,74875 USD, cao nhất kể từ tháng 7.
Đô la New Zealand cũng tăng 0,2% lên 0,7169 USD, cao nhất kể từ tháng 6, tính từ đầu tuần đến nay đã tăng 1,4%.
"Tâm lý rủi ro vẫn ở mức cao", trong khi "lợi suất tiền tệ của Mỹ giảm, có thể do giảm quan tâm vào thời điểm Fed nâng lãi suất", Ray Attrill, người phụ trách mảng chiến lược tiền tệ của Ngân hàng Quốc gia Australia cho biết.
Triển vọng kinh tế Mỹ kém tươi sáng hơn một chút sau khi dữ liệu của Mỹ công bố vào thứ Ba (19/10) cho thấy ngành xây dựng nhà ở Mỹ bất ngờ giảm trong tháng 9, và số giấy phép giảm xuống mức thấp nhất một năm trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng nguyên liệu và lao động, gây dự đoán kinh tế quý 3 có thể tăng trưởng chậm lại đáng kể.
Đồng euro giảm giá xuống 1,1625 USD/EUR. Đô la Canada tăng khoảng 0,1% lên 1,235 CAD trong bối cảnh Canada sắp công bố dữ liệu về lạm phát. Giá dầu - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Canada - tăng góp phần đẩy tiền tệ của nước này tăng giá.
Marshall Gittler, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu đầu tư của BDSwiss, cho biết: "Khi lạm phát vẫn còn tồn tại ở mức cao, trên phạm vi mục tiêu, và virus Covid-19 dần được kiểm soát, ngân hàng trung ương (Canada) có thể sẽ bắt đầu nghĩ đến việc thắt chặt chính sách". Theo ông: "Tỷ lệ lạm phát công bố hôm nay có thể là lý do biện minh cho một động thái như vậy. Nếu điều đó diễn ra đúng như dự kiến, đồng CAD dự báo sẽ tăng lên".
Đồng bảng Anh đã giảm 0,1% xuống 1,37775 USD GBP, sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Anh tháng 9 bất ngờ giảm. Tuy nhiên, các con số này hầu như không làm thay đổi kỳ vọng rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trên thế giới tăng lãi suất.
Tiền tệ Châu Á hầu hết tăng giá trong ngày 20/10. Nhân dân tệ của Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất trong hơn bốn tháng rưỡi so với đô la Mỹ sau khi ngân hàng trung ương nước này đưa ra tỷ giá tham chiếu tăng mạnh. Sáng 20/10, CNY đạt 6.3794 CNY, cao nhất kể từ 2/6, sau đó giảm nhẹ do các nhà giao dịch nhận định nhu cầu USD của các doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên. Bên cạnh đó, việc Ngân hàng trung ương Trung Quốc bơm 100 tỷ nhân dân tệ (15,65 tỷ USD) tiền mặt vào hệ thống tài chính của nước này thông qua các hoạt động thị trường mở hàng ngày cũng góp phần làm giảm giá nhân dân tệ.
Trong lĩnh vực tiền điện tử, Bitcoin liên tục tăng cao kể từ khi quỹ ETF Bitcoin đầu tiên được đi vào hoạt động tại Mỹ. 21h tối 20/10 theo giờ Việt Nam, Bitcoin đã ghi nhận mức cao kỷ lục mới trên 65.500 USD.
Ether, đồng tiền số lớn thứ 2 thế giới cũng tăng mạnh hơn 5,2% lên trên 4.000 USD. Mức giá này còn cách không xa so với mức cao nhất mọi thời đại, là 4.380 USD đạt được ngày 12/5.
James Quinn, nhà đồng sáng lập của Q9 Capital, công ty quản lý tư nhân về tài sản tiền điện tử có trụ sở tại Hồng Kông, cho biết việc ra mắt sản phẩm mới rất "có ý nghĩa" đối với Bitcoin.
"Về mặt lý thuyết, bất kỳ công ty môi giới được cấp phép nào ở Mỹ muốn tham gia vào quỹ ETF này đều có thể thực hiện dễ dàng như bất kỳ quỹ ETF nào khác, điều này sẽ mở ra cơ hội cho rất nhiều người," ông Quinn cho biết.
Giá vàng thế giới cuối chiều 20/10 tăng do USD hạ nhiệt, mặc dù mức tăng bị giới hạn bởi khả năng Fed sắp giảm kích thích kinh tế.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.777,90 USD/ounce, trong phiên liền trước, giá vàng đã tăng 1,2%; vàng kỳ hạn tháng 12 tăng 0,5% lên 1.779,40 USD.
Xiao Fu, người đứng đầu chiến lược thị trường hàng hóa thuộc Bank of China International, cho biết: "Vàng vẫn được hỗ trợ vì có áp lực lạm phát do giá năng lượng tăng và dữ liệu sản lượng của các nhà máy Trung Quốc và Mỹ đều yếu".
Mặt khác, nhà đầu tư vẫn có nhu cầu đối với các tài sản trú ẩn an toàn do những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu, "nhưng xu hướng tăng vẫn bị giới hạn bởi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ dù giảm vẫn ở mức cao, và dự báo Fed sắp thắt chặt tiền tệ."
Tham khảo: Reuters, Coindesk
Vũ Ngọc DiệpTheo các chuyên gia, để duy trì và phát huy vai trò trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam cần áp dụng các chính sách đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa kết nối với doanh nghiệp FDI, đặc biệt là nâng cấp năng lực doanh nghiệp để đáp ứng các yêu cầu của chuỗi cung ứng toàn cầu.