Bitcoin ở Afghanistan: Bên trong "thế giới ngầm" ở nơi ngân hàng đóng băng, nội tệ mất giá và lạm phát tăng vọt
Đối với nhiều người Afghanistan, tuần qua là kịch bản tồi tệ nhất mà 1 đất nước phải đối mặt: trên cả nước xảy ra tình trạng khan hiếm tiền mặt, biên giới đóng cửa, đồng nội tệ lao dốc và giá hàng hóa cơ bản tăng vọt.
Farhan Hotak không giống những chàng trai 22 tuổi khác ở Afghanistan.
Tuần trước, anh đã giúp gia đình mình và 10 người khác rời khỏi tỉnh Zabul (ở miền Nam Afghanistan) và đi thêm 97 dặm tới 1 thành phố ở giáp biên giới với Pakistan. Tuy nhiên không giống như những người khác chọn cách rời khỏi đất nước, ngay sau khi người thân được an toàn, Hotak quay trở lại để bảo vệ ngôi nhà của gia đình và chia sẻ cho hàng nghìn người theo dõi trên Instagram về những gì đang diễn ra ở Afghanistan.
Tiền số - Cứu cánh trong lúc hỗn loạn?
Hotak cũng theo dõi sát sao danh mục đầu tư tiền số của mình. Anh có tài khoản trên Binance, trong lúc đồng nội tệ của Afghanistan chạm đáy kỷ lục và các ngân hàng trên khắp đất nước đóng cửa khiến việc rút tiền mặt là bất khả thi.
"Ở Afghanistan, chúng tôi không có những nền tảng như PayPal, Venmo hay Zelle, vì thế tôi phải dựa vào những thứ khác", Hotak nói.
Afghanistan vẫn là 1 nền kinh tế dựa hoàn toàn vào tiền mặt, vì thế số tiền trong ví tiền điện tử cũng không thể giúp anh có được bữa tối, nhưng chí ít thì anh vẫn yên tâm rằng tài sản của mình được bảo vệ an toàn trước tình hình bất ổn ở quê nhà. Tiền số còn mang đến 1 điều hứa hẹn: khả năng tiếp cận với nền kinh tế toàn cầu mà không cần ra khỏi Afghanistan, ở mức độ nào đó bảo vệ Hotalk trước lạm phát và quan trọng hơn là cơ hội đặt cược vào 1 tương lai mà anh từng nghĩ là không thể xảy ra trước khi tìm hiểu về Bitcoin.
Farhan Hotak.
Đối với nhiều người Afghanistan, tuần qua là kịch bản tồi tệ nhất mà 1 đất nước phải đối mặt: trên cả nước xảy ra tình trạng khan hiếm tiền mặt, biên giới đóng cửa, đồng nội tệ lao dốc và giá hàng hóa cơ bản tăng vọt.
Nhiều ngân hàng đã bắt buộc phải đóng cửa sau khi cạn tiền mặt. Trên mạng Internet tràn ngập những bức ảnh cho thấy hàng trăm người dân ở thủ đô Kabul xếp hàng bên ngoài các chi nhánh ngân hàng trong nỗ lực rút tiền nhưng gần như vô vọng.
"Không có ngân hàng nào mở cửa, cũng không có cây ATM hoạt động", Ali Latifi, 1 nhà báo sinh ra và đang sinh sống ở Kabul nói. "Nơi tôi sống ở gần 2 ngân hàng và 3 máy ATM nhưng chúng đã không hoạt động từ thứ 5".
Không có ai điều hành NHTW, việc in tiền để bù đắp thiếu hụt cũng không phải là lựa chọn hợp lý, ít nhất là trong ngắn hạn.
Western Union cũng đã ngừng mọi dịch vụ ở Afghanistan và kể cả hệ thống "hawala" vốn đã có lịch sử hàng trăm năm qua giúp người dân thực hiện các giao dịch xuyên biên giới thông qua mạng lưới các quầy đổi tiền và tay buôn tiền chợ đen giờ cũng tê liệt.
Sangar Paykhar, người gốc Kabul hiện đang sống ở Hà Lan, thường xuyên liên lạc với họ hàng ở Afghanistan trong những tuần gần đây. Anh cho biết ban đầu nhiều người mượn tiền để sống qua ngày, nhưng giờ thì những người dư dả một chút cũng bắt đầu chuyển sang phòng vệ cho bản thân trước tiên.
"Họ nhận ra rằng chế độ đã sụp đổ và có thể mất việc làm ngay trong ngày mai", Paykhar nói.
Người dân Afghanistan xếp hàng rút tiền hôm 15/8.
Vài ngày trước khi lực lượng Taliban tiến vào Kabul, Musa Ramin là một trong số những người xếp hàng bên ngoài ngân hàng, cố gắng rút tiền mặt nhưng không thành công. Tuy nhiên không giống như những người cùng đứng xếp hàng ngày hôm đó, vài tháng trước anh đã đầu tư một phần tài sản vào tiền số. Ramin cũng thua lỗ khi thị trường tiền số "rực lửa", nhưng những đồng tiền phi tập trung vẫn chứng tỏ vai trò là 1 phao cứu sinh đáng tin cậy.
Năm 2020, trong 1 chuyến đi từ London tới Kabul được dự định là sẽ nhanh chóng kết thúc, Ramin bị mắc kẹt ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thời gian cách ly Covid-19 bắt buộc đã kéo dài từ 1 tuần thành 6 tháng. Anh đã đổi hết số tiền mang theo sang lira, nhưng sau khi đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu lao dốc không phanh thì giá trị số tiền nhanh chóng bốc hơi một nửa. "Đó là khi tôi tìm đến Bitcoin".
Với tất cả các chuyến bay đều bị hủy và không có lựa chọn nào để rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ, Ramin nhận ra anh cần phải tìm cách khác để sống sót qua thời kỳ Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa. Anh bắt đầu giao dịch tiền số, ban đầu mất rất nhiều tiền nhưng sau đó đã nhanh chóng bắt nhịp với những biến động của thị trường nhờ học hỏi trên Twitter và YouTube.
Sau khi trở về Kabul, chàng trai 27 tuổi cho biết đã "toàn tâm toàn ý" với tiền số. 80% số vốn được đổ vào Bitcoin, Ethereum và Binance coin. 20% còn lại được sử dụng để giao dịch hợp đồng tương lai tiền số. "Số tiền kiếm được trên thị trường tiền số mỗi tháng còn nhiều hơn thu nhập cả năm từ công việc trong ngành xây dựng", Ramin chia sẻ, mặc dù anh nhận thức được rủi ro cũng rất cao. "Kiếm tiền từ tiền số rất dễ nhưng để giữ được tiền là một chặng đường dài và khó khăn".
Nhưng bất chấp mức biến động điên cuồng, Ramin vẫn coi tiền số là nơi an toàn để cất giữ tiền mặt. "Nếu như chính phủ mới không sớm được thành lập, chúng tôi có thể sẽ phải đối mặt với tình thế như Venezuela, nơi lạm phát tăng vọt", anh nói với CNBC. Các đồng tiền số chính là công cụ phòng vệ tốt nhất trước bất ổn chính trị, và Ramin dự định sang năm sẽ nâng tỷ trọng tiền số lên 40% tổng tài sản.
Ramin không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Dữ liệu từ Google cho thấy lượng tìm kiếm từ khóa "Bitcoin" và "tiền số" đã tăng vọt ở Afghanistan trong tháng 7.
Những rào cản ở Afghanistan
Tuy nhiên ở 1 đất nước phụ thuộc quá nhiều vào tiền mặt cho gần như là tất cả mọi giao dịch, không nhiều người được tiếp cận với tài khoản ngân hàng, huống hồ là 1 ví điện tử.
Hotak là 1 ví dụ. Anh sống ở vùng miền núi xa xôi của Afghanistan, nơi không hề có cây ATM hay chi nhánh ngân hàng nào ở gần. Do đó anh buộc phải giữ nhiều tiền mặt để trang trải các chi phí thường ngày. "Afghanistan là đất nước có nhiều điều khó đoán, bạn giữ tiền mặt để sẵn sàng cho mọi thứ". Dù Hotak coi tiền số là tương lai, hiện tại phần lớn thu nhập của anh đến từ công việc lao động chân tay hàng ngày và từ 1 cửa hàng may quần áo.
Khó có thể mường tượng tiền số sẽ được sử dụng như thế nào ở Afghanistan. Chuyện đo lường mức độ và tiềm năng áp dụng tiền số vốn dĩ đã là công việc khó khăn, nhưng ở Afghanistan mọi người thường sử dụng mạng ảo VPN để che giấu địa chỉ IP. Và không giống như ở các nước khác thường có cộng đồng sôi nổi, những người ủng hộ tiền số ở Afghanistan thường không muốn người khác biết về sự tồn tại của mình.
Theo Hotalk, cộng đồng tiền số ở Afghanistan rất nhỏ. Họ thường không muốn gặp mặt nhau. Điều đó có thể thay đổi khi tình hình chính trị trở nên bình thường như các quốc gia khác. Giờ thì ai cũng chỉ muốn giấu kín thân phận cho đến khi mọi thứ tốt lên.
Tuy nhiên 1 nghiên cứu mới do công ty dữ liệu blockchainChainalysis thực hiện cho thấy những cái nhìn mới về mạng lưới giao dịch tiền số P2P ở Afghanistan. Hotak cùng với bạn bè của anh sử dụng sàn P2P của Binance, cho phép họ mua và bán tiền số trực tiếp với người khác. Theo báo cáo năm 2021 của Chainalysis, Afghanistan xếp hạng 20 trên 154 quốc gia và vùng lãnh thổ được Chainalysis đánh giá về mức độ áp dụng tiền số. Và khi chỉ tính đến khối lượng giao dịch trên các sàn P2P thì xếp hạng của Afghanistan tăng lên thứ 7. Có 1 bước đột phá chỉ trong 12 tháng: năm ngoái thậm chí Chainalysis còn không cho nước này vào danh sách.
Những dấu hiệu le lói
Còn có những dấu hiệu khác cho thấy sự phát triển của tiền số ở Afghanistan.
Cách đây gần 1 thập kỷ, hai chị em doanh nhân Elaha và Roya – cả 2 đều tốt nghiệp ngành khoa học máy tính từ ĐH Herat – thành lập nên Digital Citizen Fund, 1 tổ chức phi chính phủ giúp đỡ các phụ nữ và bé gái ở những nước đang phát triển được tiếp cận với công nghệ. Tổ chức này có các trung tâm IT ở Herat và Kabul, nơi họ dạy cho 16.000 phụ nữ mọi thứ từ các kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản đến công nghệ blockchain.
Trước khi các lớp học phải đóng cửa đầu tuần này, tạo 1 ví tiền số là một phần trong chương trình học. Elaha Mohboob chia sẻ với CNBC rằng một số học viên chọn bảo vệ tiền của họ trong các tài khoản tiền số và một số đã bắt đầu đầu tư vào Bitcoin và Ethereum để đạt được các mục tiêu tài chính dài hạn.
Thậm chí công ty blockchain Fantom cho biết họ đã từng hợp tác với chính phủ trước đây, ví dụ như dự án phối hợp với Bộ Y tế để thử nghiệm sử dụng công nghệ blockchain phát hiện và theo dấu thuốc giả. Fantom cho biết dự án thí điểm đã khép lại thành công và họ đang chuẩn bị triển khai trên toàn quốc trước khi Taliban lật đổ chính phủ.
Chặng đường phát triển tiền số ở Afghanistan không chỉ phức tạp mà còn có khá nhiều rào cản. Mặc dù cải thiện nhưng mức độ tiếp cận Internet vẫn thấp. Theo DataReportal.com, có 8,64 triệu người dùng Internet ở Afghanistan trong tháng 1/2021. Tỷ lệ phủ Internet chỉ là 22%.
Nguồn điện chập chờn là 1 vấn đề lớn khác, với tình trạng mất điện diễn ra thường xuyên. "Hầu như mỗi ngày đều mất điện trong vài giờ", Ramin cho biết. Khi CNBC lần đầu nói chuyện với Hotak, anh đang ngồi ở gần biên giới Pakistan và cố gắng vào wifi. Hotak cũng sử dụng điện mặt trời để sạc điện thoại.
Điện và kết nối Internet ổn định là 2 yếu tố hết sức cần thiết để tiền số được sử dụng phổ biến. Ngoài ra quan trọng không kém là người dân cần được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng trực tuyến hoặc 1 thẻ tín dụng được quốc tế chấp nhận – điều gây khó cho Afghanistan. 35% dân số nước này không có tài khoản ngân hàng theo ước tính của UN.
Vì thế mọi người muốn giao dịch tiền số phải sáng tạo theo nhiều cách. Như Hotak sẽ nhờ sự giúp đỡ của người thân và bạn bè ở nước láng giềng Pakistan hoặc UAE, những nơi dễ dàng tiếp cận với thị trường toàn cầu hơn. "Ở Pakistan hầu hết mọi người có họ hàng ở Dubai, những người giúp họ mua tiền số bằng cách sử dụng thẻ tín dụng".
Khi 1 người ở Afghanistan muốn chuyển từ tiền số sang tiền mặt, họ hàng sẽ bán hộ họ và sử dụng hệ thống hawala để chuyển tiền về. Quy trình đòi hỏi rất nhiều sự tin tưởng.
Đổi tiền ở quầy đổi tiền tư nhân tại Afghanistan.
Ngày 15/8, 1 tiếng rưỡi trước khi chuyến bay tới Thổ Nhĩ Kỳ của Ramin cất cánh, cựu Tổng thống Ghani đã tới sân bay ở Kabul. Sau đó mọi chuyến bay bị hủy và Ramin không thể rời đi. Tuy nhiên anh vẫn có kế hoạch cùng gia đình rời đi dù để tìm được chuyến bay là rất khó khăn. Đã 3 lần anh mua được vé rồi sau đó lại bị hủy.
Hiện khoảng 5-10% tài sản của Ramin được phân bổ vào tiền số. Anh suy đoán nếu chính phủ mới không sớm được lập ra thì phần lớn tài sản để trong các tài khoản ngân hàng sẽ sớm bị thổi bay. Giờ thì gia đình anh ngồi im và chờ đợi cơ hội rời khỏi đất nước.
Tuy nhiên không ít người muốn ở lại và chờ đợi sự thay đổi. Hệ thống hawala có thể trở thành một trong những cách hiệu quả nhất để thúc đẩy sử dụng tiền số. Niềm tin đó không phải là không có cơ sở. Số người dùng mạng xã hội ở Afghanistan đã tăng 22%. Hiện 68,7% dân số có kết nối điện thoại di động. Hơn 60% dân số dưới 25 tuổi và hào hứng muốn trở thành 1 phần của nền kinh tế hiện đại.
Tham khảo CNBC
Thu HươngCông ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.