Bloomberg: Bong bóng chứng khoán, bất động sản, Bitcoin và trái phiếu đang bùng lên khắp mọi nơi trên thế giới
Các NHTW muốn loại bỏ biến động từ thị trường trái phiếu và biến những khoản nợ thành rẻ chưa từng có để kìm chế hoạt động tiết kiệm và khuyến khích đầu tư. Dẫu vậy, các loại tài sản sẽ gặp biến động nhiều hơn khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới đều "săn lùng" lợi nhuận.
Tại Hồng Kông, trader tiền số Sam Bankman-Fried, đang chợp mắt tại văn phòng sau khi "vượt qua" 18 tiếng đáp ứng nhu cầu tài sản số tăng cao. Tại một buổi đấu giá ở Wellington (New Zealand), Darryl Harper thông báo rằng thị trường nhà ở New Zealand quá "kinh khủng" khi ông hạ chiếc búa để "chốt giá" những ngôi nhà hàng trăm nghìn NZD so với giá chính thức. Còn ở Makati (Philippines), Corazon Dizon - CFO và thủ quỹ của AC Energy, cảm thấy bị choáng ngợp bởi nhu cầu đối với loại trái phiếu xanh trị giá 300 triệu USD.
Những khoản tiền lớn chưa từng có được bơm vào thị trường
Có một chủ đề chung xuyên suốt những câu chuyện trên từ năm 2020 đó là "tiền rẻ". Những khoản tiền này được các NHTW lớn của thế giới bơm vào thị trường, khiến giá tài sản tăng cao và định hình lại cách chúng ta tiết kiệm, đầu tư và chi tiêu. Và đó chưa phải là kết thúc. Không như những đợt hồi phục trước đây, các nhà đầu tư không biết khi nào động thái hỗ trợ tiền tệ được thắt chặt. Các quan chức nói rõ rằng họ sẽ tiếp tục thực hiện nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế hồi phục hậu Covid-19.
Chiến lược này rất rõ ràng và có sự cân nhắc. Các NHTW muốn loại bỏ biến động từ thị trường trái phiếu và biến những khoản nợ thành rẻ chưa từng có để kìm chế hoạt động tiết kiệm và khuyến khích đầu tư. Họ hy vọng rằng, tiền rẻ sẽ thúc đẩy các công ty đầu tư và tuyển dụng thêm khi giá tài sản tăng, từ đó khiến mọi người tự tin hơn và sẵn sàng chi tiêu.
Dẫu vậy, "tác dụng phụ" là điều không thể tránh khỏi. Đó là các loại tài sản sẽ gặp biến động nhiều hơn khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới đều "săn lùng" lợi nhuận. Và đương nhiên, rủi ro cũng xuất hiện: Giá tài sản tăng vọt, sự ổn định tài chính bị phá vỡ trước khi nền kinh tế thực sự được hưởng lợi từ toàn bộ số tiền đó.
Những dấu hiệu của bong bóng thị trường đang xuất hiện ở khắp mọi nơi, khi giá cổ phiếu tăng mạnh chưa từng thấy kể từ thời kỳ dotcom. Chúng ta đang chứng kiến những đợt IPO mới bùng nổ, cùng giá Bitcoin tăng không ngừng. Tuy nhiên, nếu lợi nhuận doanh nghiệp không như mong đợi hoặc việc triển khai vắc-xin bị đình trệ, thị trường sẽ chao đảo khi nhà đầu tư ồ ạt rút vốn.
Những người đứng đầu NHTW từ Jerome Powell đều nhận thức rõ về mối nguy hiểm hiện tại. Mức định giá tăng đột biến – được gọi là hiện tượng "mọi thứ đều tăng giá", đã quá rõ ràng và không thể bỏ qua. Ông Powell, thống đống NHTW Nhật Bản Haruhiko Kuroda và những lãnh đạo NHTW lớn khác đã bớt lo ngại. Bước ra khỏi cuộc khủng hoảng gần nhất cách đây 1 thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách ở 1 số nền kinh tế đã quá nhanh chóng rút lại các biện pháp kích thích vì sợ tạo ra bong bóng và kết thúc bằng việc kìm hãm đà hồi phục kinh tế.
Những biện pháp hỗ trợ thị trường như hạ lãi suất gần bằng 0, triển khai ít nhất 12 nghìn tỷ USD gói kích thích đã phát huy hiệu quả. Thị trường trái phiếu có dấu hiệu xáo trộn vào tháng 3 năm ngoái đã trở nên bình lặng, trong khi TTCK tăng điểm. Đồng tiền tệ của các thị trường mới nổi mạnh lên, cho phép các NHTW của họ nới lỏng chính sách. Kết quả là, ngay cả những khoản chứng khoán nợ dài hạn nhất và người đi vay truyền thống cũng chứng kiến lãi suất cực kỳ thấp.
Tính đến ngày 31/12, 17,8 nghìn tỷ USD giá trị trái phiếu đã được giao dịch với lợi suất âm. Các chính phủ từ Úc đến Tây Ban Nha thậm chí còn được "trả tiền" để đi vay. Lợi suất trái phiếu rác ở Mỹ giao dịch tương đương như trái phiếu doanh nghiệp điểm đầu tư trong tháng 11. Khi Peru bán trái phiếu kỳ hạn 100 năm lần đầu tiên vào tháng 11, công cụ này trở thành chứng khoán được chính phủ nền kinh tế đang phát triển phát hành có lãi suất thấp nhất khi đáo hạn.
Bong bóng tài sản bùng lên khắp mọi nơi
Alicia García-Herrero, kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis SA Hồng Kông, từng công tác tại IMF và ECB, cho biết: "Các NHTW, và đặc biệt là Fed, đã tạo ra bong bóng." Bà chỉ ra tình trạng không có sự kết nối giữa các thị trường đang bùng nổ và một nền kinh tế hồi phục rất không đồng đều. Bà nói: "Các NHTW biết họ đang làm gì — về cơ bản là giảm lợi nhuận của các tài sản an toàn để tăng nhu cầu đối với những tài sản rủi ro. Dù biết rằng bong bóng có thể xuất hiện, nhưng cái giá phải trả cho việc không làm được gì có lẽ còn cao hơn ".
Khi cuộc đấu giá 7 ngôi nhà tại Wellington hồi tháng 11 diễn ra trong "điên cuồng", 1 ngôi nhà nhỏ 80m2 với 3 phòng ngủ đã được bán với giá 945.000 NZD (678.000 USD) – cao hơn nhiều so với mức do địa phương đánh giá là 640.000 USD. Harper cho biết: "Lãi suất đang ở mức thấp chưa từng có. Người mua nhà đi vay cực kỳ dễ dàng."
Trong khi NHTW New Zealand nỗ lực vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà không cần đến các biện pháp nới lỏng định lượng, đại dịch lại "thổi bùng" lên những khó khăn. RBNZ đã hạ lãi suất và khởi động chương trình mua trái phiếu. Tác động của bước đi này cùng sự thiếu hụt nguồn cung đã làm tăng giá nhà tại New Zealand.
Trả giá cho ngôi nhà đầu tiên, Harriette McClelland and Harry Greenwood (gần 30 tuổi) đã bỏ lỡ khi mức giá gần 1,2 triệu NZD. McClellan chỉ ra nguyên nhân là do thiếu nguồn cung, nhưng "rõ ràng rằng lãi suất thấp đang khiến mọi thứ đều tăng giá rất nhiều."
Chưa dừng ở đó, điều kiện tài chính được nới lỏng cũng tạo ra tình trạng bất bình đẳng ngày càng sâu sắc giữa những nhóm người dân. 500 người giàu nhất thế giới đã có thêm 1,8 nghìn tỷ USD vào năm ngoái. 2 tỷ phú giàu nhất thế giới – Jeff Bezos và Elon Musk, kiếm được khoảng 217 tỷ USD trong 12 tháng, đủ để hỗ trợ 2.000 USD cho hơn 100 triệu người Mỹ.
Trong cùng 1 ngày vào tháng 12 khi Powell cam kết duy trì động thái kích thích, thì Bitcoin lần đầu tiên vượt mốc 20.000 USD và đạt mức tăng 305% trong năm năm 2020. Scott Minerd của Guggenheim Investments cho biết mức giá hợp lý của Bitcoin vẫn mất một thời gian nữa để xác định. Tuy nhiên, sự khan hiếm của đồng tiền số này và cùng "việc in tiền tràn lan" của Fed cho thấy Bitcoin cuối cùng sẽ tăng lên khoảng 400.000 USD, Minerd tính toán.
Bankman-Fried cho biết, trong khi các nhà giao dịch tiền điện tử đã thành công vẫn là động lực chính đằng sau mức tăng của Bitcoin, những người mới tham gia thị trường tiền số bao gồm các công ty lớn và các nhà đầu tư ở Phố Wall cũng là một nhân tố quan trọng. Ông nói: "Lãi suất thấp đang khiến ngày càng nhiều công ty muốn đổ tiền vào Bitcoin. Tôi đang làm việc 17, 18 tiếng mỗi ngày và nhận thấy các chỉ số của chúng tôi đều đang tăng lên." Bankman-Fried là nhà sáng lập sàn giao dịch phái sinh FTX và đang lãnh đạo công ty giao dịch Alameda Research.
Những quả bong bóng chưa phải là vấn đề đối với nền kinh tế cho đến khi nó vỡ tung. Việc TTCK, giá nhà, trái phiếu và Bitcoin đều tăng giá có thể báo hiệu quả bong bóng đang được thổi phồng khi nền kinh tế thoát khỏi cú sốc Covid-19.
Ví dụ, TTCK và các nhà đầu tư "âm thầm" đã đổ vào thị trường bất động sản thương mại ngay cả khi đại dịch đặt ra câu hỏi về tương lai của các thành phố. Bất chấp việc các trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn và văn phòng có thể phải đối mặt với tình trạng doanh thu dài hạn sụt giảm trong thế giới hậu Covid, bất động sản thương mại vẫn đang phục hồi.
Khi nhà đầu tư săn lùng lợi nhuận ở bất cứ nơi nào họ có thể tìm thấy, "làn sóng" tiền đang chảy qua trái phiếu được bán bởi các công ty từ các nền kinh tế nghèo hơn. Đây là trường hợp diễn ra ngay cả ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Khi AC Energy, một bộ phận của tập đoàn Ayala Corp của Philippines, bán trái phiếu xanh vĩnh viễn trị giá 300 triệu USD với lãi suất 5,1% vào tháng 11, CFO Dizon đã mô tả nhu cầu đang "quá tải". Sự lạc quan về vắc-xin, cùng với kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ vào năm 2021, đã giúp quá trình huy động vốn của AC Energy bùng nổ.
Trên thị trường chứng khoán, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, những đợt niêm yết từ Snowflake đến Airbnb đã huy động được 180 tỷ USD. Trong năm ngoái, S&P 500 đã tăng 68% kể từ mức thấp hồi tháng 3. Trong khi đó, các SPAC cũng ngày càng phổ biến. Năm 2020, thị trường không chỉ ghi nhận số lượng SPAC tăng kỷ lục mà 31% trong số đó còn không xác định rõ ngành họ đang nhắm đến. Từ đầu tháng 7 đến giữa tháng 12, mỗi ngày trung bình có hơn 1 đợt IPO của các SPAC.
Mối lo ngại về nền kinh tế thực
Với tất cả tác động - từ các NHTW, trái phiếu chính phủ, chứng khoán, bất động sản cho đến những thị trường mới nổi, điều đáng lo ngại nhất là sự bùng nổ nợ mới. Theo Viện Tài chính Quốc tế, tổng khoản vay cả công lẫn tư đã tăng 15.000 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2020 lên mức kỷ lục là 272.000 tỷ USD . Một vấn đề khác đó là điều kiện tài chính được nới lỏng có thể làm suy yếu năng suất dài hạn của các quốc gia. Đó là điều sẽ xảy ra khi các các chính phủ và doanh nghiệp không thể đi vay với lãi suất thấp đến mức không có động lực để cải thiện.
Những người mang quan điểm chỉ trích nói rằng quan chức NHTW đang khiến sự bất bình đẳng càng thêm sâu sắc, khi đẩy thị trường lên cao trong khi không có những bước đi để tăng lương hoặc tạo việc làm cho nền kinh tế thực.
Tham khảo Bloomberg
Lục LamKhông khí Tết len lỏi khắp mọi nẻo đường lên “nóc nhà Đông Dương”, Fansipan (Sa Pa) khoác lên tấm áo xuân rực rỡ sẵn sàng chào đón du khách trong kỳ nghỉ lễ sắp tới.