Bloomberg: Việt Nam là mảnh đất hấp dẫn các công ty khởi nghiệp
Hãng Bloomberg vừa có bài viết nhận định nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao, chi phí nhân công thấp cùng với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng đang khiến Việt Nam trở thành một điểm hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp.
Bloomberg ngày 14/2 đã có bài viết với tiêu đề "Nhân tài từ Thung lũng Silicon đang góp phần phát triển hệ sinh thái Việt Nam", trong đó nhận định sự dồi dào của các kỹ sư giá rẻ cùng với nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng đã khiến Việt Nam trở thành một mảnh đất hấp dẫn cho các công ty khởi nghiệp.
Bài viết dẫn báo cáo công bố tháng 7/2022 của KPMG International Ltd và HSBC Holdings Plc, cho biết số lượng công ty khởi nghiệp tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra cho đến giữa năm 2022.
Theo các dữ liệu tổng hợp từ Google, Temasek Holdings Pte và Bain & Co., trong năm 2021, Việt Nam đã thu về mức kỷ lục là 2,6 tỷ USD thông qua 233 giao dịch tư nhân, tăng từ mức 700 triệu USD và 140 giao dịch một năm trước đó.
Quỹ đầu tư mạo hiểm Do Ventures cho biết các công ty khởi nghiệp Việt Nam cũng đang cạnh tranh với các công ty trong cùng lĩnh vực tại Đông Nam Á, chiếm 13% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm đổ vào khu vực sau Indonesia và Singapore vào năm 2021.
Ông Raymond Mallon - Nhà nghiên cứu kinh tế, Autraslia nhận đinh: "Tình hình rất khó khăn trên toàn cầu nhưng đến nay Việt Nam đã và đang phục hồi, trở lại quỹ đạo phát triển. Vẫn sẽ còn thách thức từ nguy cơ suy thoái, chủ nghĩa bảo hộ toàn cầu làm giảm nhu cầu xuất khẩu nhưng vẫn có rất nhiều mặt tích cực, có một số động lực thúc đẩy tăng trưởng đó là đầu tư nước ngoài, đầu tư về nhân lực, cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, đó là sự tăng trưởng nhanh chóng trong việc phục hồi niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Đã có sự phục hồi về nhu cầu trong nước".
Theo Bloomberg, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa TP Hồ Chí Minh trở thành "thỏi nam châm" thu hút vốn đầu tư công nghệ và nhắm đến một nền kinh tế kỹ thuật số có thể đóng góp 40% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Thành phố Hồ Chí Minh.
Để thực hiện mục tiêu này, nhà chức trách tại Thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các dự án công nghệ cao, đồng thời đưa ra các ưu đãi khác để thu hút nhân tài toàn cầu và các công ty quốc tế thành lập các trung tâm nghiên cứu đổi mới.
"Việt Nam hiện là một trung tâm sản xuất và là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, điều quan trọng là các doanh nghiệp và nền kinh tế đẩy mạnh tự động hóa, số hóa chuỗi giá trị cùng với cải thiện nhanh chóng năng suất lao động là một trong những động lực quan trọng. Việt Nam có tiềm năng to lớn để phát triển kinh tế nhanh và chuyển đổi kỹ thuật số trên tất cả các lĩnh vực", bà Michele Wee - Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam đánh giá.
Giới chuyên gia đánh giá Thành phố Hồ Chí Minh có những yếu tố tạo nên một Thung lũng Silicon tiếp theo, đó là một hệ thống giáo dục thiên về khoa học và toán, ngành công nghiệp gia công phần mềm đã phát triển hàng thập kỷ đã tạo ra vô số kỹ sư tài năng, không yêu cầu quá cao về thù lao, cũng như những lợi ích từ việc kinh tế Việt Nam năm ngoái đã tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực châu Á.
Thương Huyền (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.