Bộ Công thương: Ảnh hưởng Covid-19, sức mua dịp Tết Tân Sửu chỉ "nhích" được 3-5%

Đầu tư và Tiếp thị
06:51 AM 18/02/2021

Do lo ngại dịch bệnh nên hoạt động mua sắm của người dân cũng hạn chế hơn các năm trước. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Báo cáo tình hình Tết Nguyên Đán 2021 của Bộ Công thương, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, thành phố ngay trong giai đoạn gần Tết đã ảnh hưởng đến việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại và mua sắm Tết của người dân. Nhiều địa phương đã dừng toàn bộ các Hội chợ Tết, các lễ hội... 

Trước tình trạng trên, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có sự chỉ đạo sát sao trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống, truy vết và sự điều chỉnh linh hoạt, kịp thời các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch bệnh để vừa chống dịch, vừa bảo đảm sự vận hành của nền kinh tế. Từ ngày 22 Tết (ngày 3/2/2021), sức mua đối với các nhóm hàng thực phẩm tươi sống bắt đầu tăng lên (phục vụ lễ ông Công, ông Táo) nhưng do lo ngại dịch bệnh nên hoạt động mua sắm của người dân cũng hạn chế hơn các năm trước.

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên phương thức mua hàng cũng có nhiều thay đổi. Việc mua bán trực tuyến được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhằm tránh đến những nơi đông người, so sánh được giá bán của nhiều nhà cung cấp, mua hàng được từ những khu vực cách xa về địa lý... 

Tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các biện pháp phòng chống dịch được áp dụng theo chỉ đạo của các cơ quan chức năng (Bộ Y tế, Bộ Công Thương) để bảo đảm an toàn cho khách hàng và người bán hàng, giá hàng hóa giữ ổn định, lượng hàng đa dạng cùng với nhiều chương trình khuyến mại được áp dụng nên cũng vẫn thu hút được lượng tương đối lớn khách hàng đến mua sắm. 

Tại các chợ dân sinh, mặc dù hàng hóa cũng được cung ứng khá dồi dào đa dạng, lượng mua hàng tuần gần Tết cũng tăng so với ngày thường nhưng không mạnh như các năm trước, giá hàng hóa không có biến động nhiều. Nhìn chung, sức mua tổng thể của cả nước dịp Tết Nguyên Đán Tân Sửu 2021 chỉ tăng từ 3-5% so với tháng thường và tăng 7-10% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngày Mùng 1 Tết, hoạt động mua bán diễn ra rất ít, cùng với lo ngại dịch bệnh Covid-19 nên người dân cũng hạn chế đi chúc Tết, lễ chùa. Từ ngày mùng 2, mùng 3 Tết, một số doanh nghiệp phân phối và các hộ kinh doanh cá thể tại các chợ đã bắt đầu mở cửa khai xuân bán hàng trở lại, nhu cầu hàng hóa trong những ngày này chưa cao và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng rau xanh, trái cây, thực phẩm tươi sống và các mặt hàng phục vụ việc thờ cúng. 

Do nguồn cung khá dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, sức mua không lớn nên giá phần lớn các mặt hàng giữ ổn định so với những ngày cận Tết. Các mặt hàng rau củ quả vụ Đông nguồn cung tốt (thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, sản lượng cao), giá tương đối thấp. Thị trường nhìn chung không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, nguồn cung luôn được bảo đảm, kể cả tại những khu vực cách ly do dịch bệnh Covid-19.

Thái Quỳnh
Ý kiến của bạn
Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới Hơn 56% doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1- 2 năm tới

Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.