Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về giá điện gió, điện mặt trời

Kinh doanh
11:11 AM 07/09/2023

Trong báo cáo số 147 gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết, tổng công suất 85 dự án điện gió bị chậm vận hành là hơn 4.600 MW, đến nay mới có 20 dự án được công nhận ngày vận hành thương mại.

Bộ Công Thương mới có báo cáo gửi Chính phủ về việc thực hiện kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với việc đàm phán giá điện các dự án điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, đến 25/8, có 79 dự án (chiếm 94%) trong số này nộp hồ sơ đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Như vậy, còn 6 dự án, tổng công suất 284,7 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán dù được đôn đốc nhiều lần.

Số dự án gửi hồ sơ, có 68 dự án đã thỏa thuận giá điện với EVN. Trong đó, 67 dự án đồng ý giá tạm bằng 50% khung giá phát điện, tức 754-908 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tùy loại nguồn điện mặt trời hay gió, để làm cơ sở ký hợp đồng mua bán điện, vận hành thương mại.

Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng về giá điện gió, điện mặt trời - Ảnh 1.

Bộ Công Thương cho biết tổng công suất 85 dự án bị chậm vận hành là hơn 4.600 MW. (Ảnh minh họa)

61 dự án đã được EVN và chủ đầu tư thống nhất giá tạm, trình lên Bộ Công thương và có 58 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất hơn 3.181 MW đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm tính. Trong số 61 dự án đã thống nhất giá tạm, có 43 dự án đã và đang trong giai đoạn thử nghiệm, trong đó có 20 dự án với tổng công suất 1.171,72 MW đã được công nhận ngày vận hành thương mại.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong số các dự án đáp ứng các điều kiện kỹ thuật, 43 dự án đang thử nghiệm. Tuy nhiên đến nay mới 20 dự án khác đủ điều kiện vận hành thương mại (COD), tức là hệ thống có thêm 1.171,72 MW. Số dự án phát điện lên lưới mới chiếm 25% tổng số dự án không kịp vận hành để hưởng giá ưu đãi (giá FIT) trong 20 năm.

Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, liên quan đến các hồ sơ pháp lý, mới chỉ có 29/85 dự án chuyển tiếp được cấp giấy phép hoạt động điện lực, điều kiện cần để dự án được thử nghiệm, vận hành. Trong số các dự án này, có 20 dự án được cấp giấy phép toàn bộ dự án và 9 dự án được cấp giấy phép 1 phần dự án. 11 dự án đã nộp hồ sơ và đang được Bộ Công Thương kiểm tra, rà soát để cấp giấy phép. Đặc biệt, có tới 45 dự án vẫn chưa nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép.

Cùng với đó, theo thống kê của EVN, nhiều dự án chuyển tiếp chưa có quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của tỉnh (theo quy định của Luật Đầu tư) và chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, các yêu cầu khác về đầu tư xây dựng.

Các quy định này là những điều kiện để hợp đồng mua bán điện sửa đổi, bổ sung về việc áp dụng giá điện tạm thời giữa EVN và các dự án chuyển tiếp có hiệu lực.

"Vì vậy đến nay, mới có 20 dự án chuyển tiếp đã được Bộ Công Thương phê duyệt giá tạm được công nhận ngày vận hành thương mại", Bộ Công Thương phân tích.

Huyền My (t/h)
Ý kiến của bạn
Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06 Kết hợp VNeID với iHanoi: Bước tiến đột phá trong triển khai Đề án 06

Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.