Bộ Công thương: Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu Quý II/2022
Bộ Công Thương cho rằng, trong quý II/2022, nguồn cung xăng dầu dự kiến đạt khoảng 6,7 triệu m3, trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ khoảng 5,2 triệu m3.
Tại báo cáo về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại của ngành công thương 4 tháng đầu năm 2022, Bộ Công Thương nhận định, thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước trong quý 1/2022 có nhiều biến động.
Nguồn cung xăng dầu trong nước chịu ảnh hưởng từ việc Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (đơn vị chiếm 35-40% tổng cung) đã giảm mạnh công suất sản xuất (trong tháng 1 và tháng 02 đã giảm công suất xuống mức 85%, 60% và 55%) và không cung ứng đủ sản lượng xăng dầu cho thị trường như đã cam kết.
Bên cạnh đó, nguồn xăng dầu từ nhập khẩu gặp khó khăn do giá tăng mạnh, cạnh tranh lớn khi nguồn cung bị gián đoạn do xung đột vũ trang Nga - Ukraine. Nhờ đẩy mạnh nhập khẩu và sự nỗ lực cung ứng của các đầu mối xăng dầu nên cơ bản nguồn cung trong quý I được bảo đảm.
Theo Bộ Công Thương, tổng nhu cầu xăng dầu cho thị trường trong nước cả năm 2022 dự kiến khoảng 20,6 triệu m3, trong đó, phần đáng kể đến từ nguồn nhập khẩu nhằm bù đắp phần thiếu hụt từ Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn.
Trong khi nhu cầu xăng dầu quý II/2022 dự kiến khoảng 5,2 triệu m3. Công ty TNHH lọc hóa dầu Nghi Sơn cho hay sẽ cung cấp 1,83 triệu m3, trong đó tháng 4 là 590.000 m3; tháng 5 là 630.000 m3; tháng 6 là 610.000 m3. Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch phụ thuộc vào việc triển khai các giải pháp tài chính của công ty.
Để đảm bảo tốt nguồn cung xăng dầu trong nước, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bổ sung nguồn thiếu hụt.
Bộ này dự kiến nguồn cung xăng dầu quý II vào khoảng 6,7 triệu m3, từ các nhà máy sản xuất trong nước (Lọc dầu Nghi Sơn dự kiến 1,8 triệu m3, Lọc dầu Bình Sơn dự kiến 1,9 triệu m3), nguồn nhập khẩu khoảng 1,5 triệu m3 và nguồn tồn kho từ quý I chuyển sang (1,5 triệu m3).
Với nguồn cung như trên, Bộ Công Thương khẳng định, sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của quý II và tồn kho gối đầu sang quý III khoảng 1,5 triệu m3.
Để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường được duy trì liên tục, đồng thời hỗ trợ kịp thời cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân đang phục hồi sau dịch COVID-19, hạn chế mức tăng giá, trong các kỳ điều hành giá vừa qua, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã thực hiện chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá cho các mặt hàng xăng và dầu với mức chi từ 100-1.500 đồng/lít.
Từ đầu năm đến nay, công cụ này được sử dụng linh hoạt nhằm bảo đảm giá xăng dầu trong nước theo xu hướng diễn biến của giá xăng dầu thế giới nhưng mức tăng thấp hơn. Giá bình quân một số mặt hàng thành phẩm xăng dầu thế giới (giao dịch trên thị trường Singapore) tại kỳ điều hành ngày 21/4/2022 so với đầu năm 2022 biến động tăng từ 36,53% - 60,14% nhưng giá xăng dầu trong nước kỳ điều hành ngày 21/4/2022 so với đầu năm 2022 chỉ tăng từ 3.975 - 7.120 đồng/lít/kg (tùy loại xăng dầu), tương đương tăng từ 17,16% - 39,04%.
Bộ Công Thương cam kết tiếp tục phối hợp với Bộ Tài chính, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu, khuyến khích các doanh nghiệp duy trì nguồn cung và hạn chế các hành vi đầu cơ găm hàng hoặc buôn lậu xăng dầu qua biên giới sang các nước lân cận.
HM (T/h)Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.