Bộ Công Thương đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% trong năm 2024
Năm 2024, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đưa tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6% so với năm 2023, duy trì xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Năm 2023, Việt Nam xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư ước đạt gần 30 tỷ USD, gần gấp 3 lần năm 2022. Từ thành quả của năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6% cho năm 2024, tiếp tục góp sức cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Theo nhận định của Bộ Công Thương, cùng với việc khai thác tốt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) hiện có, việc kết thúc đàm phán, triển khai FTA với những thị trường mới như Israel, UAE sẽ tiếp thêm cơ hội thúc đẩy thương mại, đầu tư, đặc biệt là xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024.
Quan hệ chính trị tốt đẹp, được củng cố, nâng cấp với các đối tác lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU... tạo tiền đề để hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được mở rộng. Đến nay, một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đều đã đề ra mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024.
Với kết quả kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 40,3 tỉ USD, toàn ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2024 đạt 44 tỉ USD, tăng 9,2%.
Ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 9,5 tỉ USD dù nhận định năm 2024 tiếp tục gặp nhiều khó khăn, nhất là việc Ủy ban châu Âu (EC) duy trì giữ cảnh báo thẻ vàng đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam...
Bộ Công Thương cho rằng sang năm 2024, bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều yếu tố tích cực hơn cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Trong đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra thông điệp ngừng tăng lãi suất và tiến tới xem xét giảm lãi suất trong năm 2024. Vấn đề hàng tồn kho cao tại Mỹ cũng đang dần được khắc phục.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương cũng lưu ý xu hướng bảo hộ thương mại xuất hiện nhiều hơn. Một số quốc gia đưa đầu tư về trong nước, dựng nên các rào cản thương mại để bảo vệ, thúc đẩy sản xuất của nước mình.
Trong năm 2024, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, nhấn mạnh với báo chí, để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 6%, Bộ sẽ đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới; ký kết FTA, hiệp định thương mại với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng như UAE, Nam Mỹ để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Cục Xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong FTA để đẩy mạnh xuất khẩu, chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu.
Bộ sẽ thường xuyên trao đổi, phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp để đánh giá tình hình xuất khẩu, hỗ trợ phát triển thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm hàng hóa. Bên cạnh đó, Cục Xúc tiến thương mại sẽ thường xuyên cập nhật chính sách, những thay đổi về tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường xuất khẩu để các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nắm bắt và có kế hoạch, chiến lược sản xuất phù hợp.
Hiện nay, yêu cầu đối với phát triển kinh tế xanh, bền vững dần hình thành nên "luật chơi" mới về thương mại. Nhiều nền kinh tế trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu. Xuất khẩu xanh là xu hướng tất yếu, Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc chơi này.
Tại Hội nghị tổng kết ngành Công thương năm 2023, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, việc xuất khẩu của nước ta phụ thuộc FDI là quá rõ và cần phải khắc phục. Để xuất khẩu tăng trưởng bền vững và đóng góp nhiều hơn cho đất nước, trong chọn lựa các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài tới đây, người Việt Nam cần vươn lên nắm bắt được công nghệ trong chuỗi để có thêm giá trị gia tăng, chứ không chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc.
Từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.