Bộ Công Thương đề xuất cách xác định hàng hoá "sản xuất tại Việt Nam"
Việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là “Hàng hoá của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” đối với hàng hóa lưu thông trong nước có thể dẫn đến xung đột giữa sản xuất và tiêu dùng khi cơ quan chức năng không có căn cứ phân xử.
Bộ Công Thương đang trình Chính phủ dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Nghị định về cách xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Theo đó, Nghị định nhằm quy định hàng hóa được coi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khi đáp ứng một trong các tiêu chí như: hàng hóa có xuất xứ thuần túy Việt Nam, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam từ toàn bộ nguyên liệu có xuất xứ Việt Nam; hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa...
Nghị định quy định công đoạn gia công, chế biến đơn giản sẽ không được coi là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Đồng thời, quy định các tiêu chí cụ thể trong trường hợp hàng hóa trải qua công đoạn gia công, chế biến cơ bản cuối cùng tại Việt Nam như chuyển đổi mã số hàng hóa, tỷ lệ phần trăm giá trị hay công đoạn gia công cụ thể. Đồng thời quy định trách nhiệm của các đối tượng liên quan trong việc xác định hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Theo Bộ Công thương, trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự 3 do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.
Với hàng hóa sản xuất trong nước (cả hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu nhập khẩu sau đó lưu thông trong nước) chưa có quy định như thế nào thì được thể hiện là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".
Việc này khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ hay nguồn gốc trên nhãn sản phẩm, hàng hóa lưu thông trong nước.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng cơ quan chức năng không có căn cứ để phân xử.
Bên cạnh đó, tình trạng hàng hóa nước ngoài chỉ trải qua công đoạn gia công đơn giản, đóng gói tại Việt Nam nhưng cũng dán nhãn “Made in Viet Nam” rồi xuất khẩu đi nước thứ ba tiềm ẩn nguy cơ về gian lận xuất xứ.
Bộ Công thương cho biết, mặc dù nhãn “Made in Viet Nam” không có giá trị thay thế cho chứng từ chứng nhận xuất xứ, nhưng việc ghi nhãn như vậy có thể gây hiểu nhầm hoặc nhận biết sai về hàng hóa của Việt Nam, dẫn đến việc nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp hạn chế hàng hóa của Việt Nam.
Do đó, Bộ cho rằng cấp thiết phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định bộ tiêu chí để các doanh nghiệp có thể căn cứ vào đó xác định chính xác hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, tránh phát sinh tranh cãi, thậm chí thiệt hại không đáng có.
Việc thiếu vắng các quy định về cách xác định như thế nào là “Hàng hoá của Việt Nam” hay “Sản xuất tại Việt Nam” đối với hàng hóa lưu thông trong nước có thể dẫn đến xung đột giữa sản xuất và tiêu dùng khi cơ quan chức năng không có căn cứ phân xử.
Việc ban hành văn bản “Sản xuất tại Việt Nam” giúp giải quyết vấn đề này, khiến môi trường kinh doanh minh bạch hơn, được quản lý tốt hơn và quyền lợi của người tiêu dùng cũng được đảm bảo hơn.
Bộ Công Thương đặt ra lộ trình sẽ trình Thủ tướng quyết định thông qua Đề nghị xây dựng Nghị định vào tháng 11/2024.
Quá trình tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến, hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành dự kiến diễn ra từ tháng 12/2024 - 10/2025.
Huyền My (t/h)Theo các chuyên gia, khi di chuyển trên đường trong ngày mưa bão, người dân cần nhớ và tuân thủ một số lưu ý như: kiểm tra thời tiết, giảm tốc độ, giữ khoảng cách an toàn, sử dụng đèn chiếu sáng… nhằm đảm bảo an toàn, giảm thiểu rủi ro cho bản thân và những người xung quanh.