Bộ Công Thương điều tra hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đường nhập khẩu từ 5 nước

Đầu tư và Tiếp thị
06:21 PM 22/09/2021

Từ đầu năm đến nay, đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (trừ Thái Lan) tăng chóng mặt. Bộ Công Thương đã quyết định điều tra nguồn đường này.

Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định Quyết định số 2171/QĐ-BCT về điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gồm chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, bị cáo buộc lẩn tránh thông qua 5 nước là Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia và Myanmar.

Bộ Công Thương điều tra nguồn đường nhập khẩu từ 5 nước - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Trước đó, ngày 25/8/2021, Bộ Công Thương tiếp nhận Hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) của Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), đại diện cho 6 công ty sản xuất đường mía trong nước.

Theo Hồ sơ yêu cầu, kể từ khi Việt Nam áp dụng biện pháp chống bán phá giá (CBPG), chống trợ cấp (CTC) với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan, đã có dấu hiệu về hành vi lẩn tránh thuế CBPG, CTC của đường Thái Lan thông qua một số nước ASEAN.

Thông tin từ Tổng cục Hải quan cho thấy, 7 tháng đầu năm 2021 xảy ra hiện tượng bất thường trong nhập khẩu đường vào Việt Nam từ một số quốc gia ASEAN. Lượng đường nhập khẩu từ Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar và Indonesia vào Việt Nam đã gia tăng mạnh khi so sánh cùng kỳ năm 2020.

Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm nay, lượng đường nhập khẩu từ 5 nước nói trên là 475.985 tấn, tức hơn 6 lần so với cùng kỳ năm 2020 (71.583 tấn). VSSA cho rằng đây là dấu hiệu rõ ràng của động thái lẩn tránh thuế CBPG và CTC đối với sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Bởi mức tăng này không phù hợp với năng lực phát triển sản xuất đường mía của 5 nước ASEAN và cả 5 nước đều có nhập khẩu đường từ Thái Lan.

Theo quy định, sau khi khởi xướng điều tra, Bộ Công Thương sẽ gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá, làm rõ các nội dung cáo buộc cũng như điều tra các hành vi lẩn tránh biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Đồng thời, thực hiện việc thẩm tra, xác minh các thông tin do các bên liên quan cung cấp trước khi hoàn thành kết luận điều tra chính thức về vụ việc.

Hoài Thương (t/h)
Ý kiến của bạn
Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai Giá xăng có thể giảm nhẹ vào kỳ điều chỉnh ngày mai

Giá xăng trong nước ngày mai (23/1) được dự báo quay đầu giảm sau khi đã có 3 lần tăng liên tiếp. Nếu không tác động đến Quỹ bình ổn, giá xăng có thể giảm khoảng 50-150 đồng/lít, trong khi giá dầu diesel có khả năng tiếp tục tăng.