Bộ Công Thương lộ 3 phương án cung ứng hàng hóa cho Hà Nội
Tại cuộc họp về bảo đảm nguồn cung nhu yếu phẩm và sản phẩm y tế cho người dân chiều 7/3, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông cho hay, trước diễn biến phức tạp của dịch covid-19, Bộ Công Thương đã xây dựng 3 kịch bản cung ứng hàng hóa cho người dân Hà Nội.
Không để thiếu thực phẩm phục vụ người dân
Theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, kịch bản 1 được xây dựng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến hết quý I và kịch bản hai là dịch vẫn tiếp tục phức tạp đến hết quý 2. Kịch bản thứ ba là dịch có thể kéo dài. Thậm chí các địa phương cũng được yêu cầu xây dựng cả kịch bản cách ly trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp. Với mỗi kịch bản, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Sở Công Thương chuẩn bị các phương án đối phó cũng như cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống dân sinh.
“Ngay trong đêm qua, đã xuất hiện tình trạng mua gom hàng hóa. Từ sáng sớm hôm nay, Bộ Công Thương đã có yêu cầu các doanh nghiệp phân phối tăng gấp 3 lượng hàng hóa, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu cho người dân. Cùng đó điều tiết tăng lượng cung ứng hàng hóa từ các địa phương khác cho Hà Nội. Bộ đã phối hợp với Sở Công Thương đi kiểm tra thực tế tại nhiều điểm ở Hà Nội. Theo đánh giá, việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội được đảm bảo”, ông Đông cho hay.
Theo lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước, lượng hàng hóa thiết yếu đưa từ các địa phương về Hà Nội đã được tăng cường gấp 3 -4 lần trong ngày hôm nay. Bộ Công Thương cũng yêu cầu Sở Công Thương địa phương tăng cường cung cấp thường xuyên thông tin cho người dân, không để tình trạng hoang mang trong dư luận.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho hay, ngay trong đêm 6/3 và sáng sớm ngày 7/3, các doanh nghiệp đã thực hiện xong việc tăng lượng hàng dự trữ gấp 4-5 lần bình thường. Các doanh nghiệp như Vinmart lượng hàng hóa cung ứng trong chuỗi đã tăng tới 40 lần. Các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội.
Theo bà Lan, Sở đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố trong đó tập trung vào cấp độ 3- 4, đảm bảo sẵn sàng hàng hóa phục vụ người dân và địa phương có khu vực cách ly của thành phố. Sở đã đề nghị Cục QLTT Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để tình trạng găm hàng, bán tăng giá.
“Chúng tôi đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu, kể cả tăng đột biến nhu cầu” của người dân, không để xảy ra thiếu hàng, không để địa bàn bị trống hàng, hết hàng trên kệ. Chúng tôi cũng khuyến cáo người dân chỉ mua hàng đủ theo nhu cầu, không cần phải tích trữ hàng hóa vượt quá nhu cầu. Đến chiều nay, nhu cầu mua sắm của người dân đã giảm xuống rất nhiều”, bà Lan cho hay.
Bên cạnh diễn biến phức tạp của dịch covid-19, theo bà Lan, cùng với dịch tả lợn châu Phi chưa dập tắt hoàn toàn, trên địa bàn Hà Nội đang có dịch cúm gia cầm tại hai huyện Chương Mỹ và Mê Linh. Nếu tình hình diễn biến phức tạp, việc cung ứng thịt lợn cho thành phố thời gian tới sẽ gặp khó khăn.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cũng đề nghị các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân yên tâm, không nên dự trữ hàng hóa khi có dịch xảy ra, tăng cường hình thức mua sắm online để tránh gây tập trung đông người.
Khẳng định việc không để tình trạng thiếu hàng hóa, bà Nguyễn Thị Phương - Phó Tổng Giám đốc Big C Việt Nam cho hay, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng cung ứng cho thị trường, đồng thời làm việc với các nhà cung ứng liên tục cấp hàng cho hệ thống siêu thị. Từ ngày mai hệ thống sẽ mở cửa từ 7h sáng (thay vì 8h sáng) và đóng cửa vào lúc 22h-23h và phục vụ bán hàng cho đến hết khách thì thôi. Siêu thị cũng sẽ cam kết không tăng giá hàng hóa trên toàn hệ thống.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Phó Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opmart cho biết, hệ thống siêu thị BigC đã tăng gấp 3 lượng hàng cung ứng cho thị trường, đồng thời làm việc với các nhà cung ứng liên tục cấp hàng cho hệ thống siêu thị., hệ thống siêu thị Sài Gòn Coop đã tăng lượng hàng dự trữ kho tại Hà Nội, Bắc Ninh tăng 30%.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Bán lẻ BRG Retail- đơn vị sở hữu các thương hiệu Intimex, Hapro, Seika, Fujimart cho hay, trong sáng 7/3, ngay sau khi siêu thị, cửa hàng của đơn vị mở cửa, rất đông khách hàng đã đến mua các hàng hóa thiết yếu như gạo, mì tôm, miến, dầu ăn, rau củ, nước tẩy rửa. Ông Dũng cũng đề nghị Hà Nội hỗ trợ cho siêu thị trong việc đưa hàng hóa vào nội đô bằng cách cấp phép cho xe tải chở hàng vào giờ cao điểm.
Trước đề nghị của ông Dũng, lãnh đạo Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, tất cả các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đều không cần phải xin phép trong việc đưa xe chở hàng vào trong nội đô giờ cao điểm. Doanh nghiệp cần phải cập nhật thông tin về việc này, không phải xin phép gì hết.
Bà Dương Thị Thanh Tâm, Phó Tổng giám đốc Vincommecre cho hay, một ngày hệ thống siêu thị của đơn vị có thể cung cấp trên 200 nghìn khay thịt, đảm bảo nhu cầu của các hộ gia đình ở Hà Nội. Với khẩu trang, hệ thống có thể cung cấp 500.000 khẩu trang ra thị trường. Hàng hóa cung cấp ra thị trường luôn được đảm bảo.
Xây thêm nhiều phương án đối phó với dịch
Chỉ đạo tại cuộc họp Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho hay, trước diễn biến của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã lên nhiều kịch bản chuẩn bị cho các tình hình. Thực tế cho thấy, thời gian qua, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, các địa phương đã triển khai rất tốt và chủ động cung ứng hàng hóa theo phương thức 4 tại chỗ.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, với một đô thị lớn như Hà Nội, bên cạnh đảm bảo cung ứng hàng hóa trong nhiều tình huống, các nhà cung cấp cũng cần phải đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa bán cho người dân. “Cùng với đảm bảo hàng hóa cho các tình huống, các siêu thị, các địa phương cần chuẩn bị các kịch bản cho trường hợp cách ly đông đến hàng nghìn người thì việc cung ứng sẽ triển khai thế nào”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu các đơn vị ngành công thương phải cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ cho người dân, không để tình trạng hoang mang trong dư luận. Cùng đó, Vụ Thị trường trong nước phải tính toán nhiều kịch bản cung ứng hàng hóa trong các tình huống bất thường khác nữa. Trong đó có cả kịch bản cho tình huống diễn biến dịch xuất hiện không chỉ ở một, hai hay ba địa phương và cần phải cách ly thì việc cung ứng thế nào.
“Nếu trong trường hợp thực hiện cách ly ở nhiều địa phương thì ngoài Hà Nội, việc cung ứng hàng hóa có được đảm bảo đồng thời. Đặc biệt, cần có biện pháp, không để tình trạng đầu cơ, găm hàng, tích trữ hàng hóa, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân”, người đứng đầu ngành công thương yêu cầu.
Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.