Bộ Công Thương lý giải con số nhập siêu 2 tỷ USD?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, xu hướng nhập siêu của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm không đáng lo ngại và không có gì bất thường.
Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất khẩu 5 tháng ước đạt hơn 131 tỷ USD, tăng gần 31% so với cùng kỳ, nhập khẩu đạt 131,6 tỷ USD (tăng gần 37% so với cùng kỳ). Nhưng khác với 4 tháng trước Việt Nam xuất siêu 1,63 tỷ USD thì sang tháng 5 đã nhập siêu 2 tỷ USD. Tính chung 5 tháng Việt Nam nhập siêu gần 370 triệu USD.
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lý giải, các mặt hàng nhập khẩu nhiều trong 5 tháng qua chủ yếu là linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may... Đây cũng là các lĩnh vực sản xuất đang có sự phục hồi nhanh chóng khi các thị trường nhập khẩu phục hồi. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày có đơn hàng tới hết quý III, thậm chí quý IV năm nay... nên nhập khẩu tăng là tất yếu.
Với nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế nhập khẩu, kim ngạch nhập khẩu nhóm trong 5 tháng đầu năm đạt gần 8,5 tỷ USD, chiếm gần 4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. Do vậy, cán cân thương mại thâm hụt không phải do gia tăng nhập khẩu các mặt hàng không được khuyến khích.
Năm 2021, mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với 2020. Thường những tháng cuối năm kim ngạch xuất khẩu hàng hoá sẽ tăng, nên cán cân thương mại hàng hoá có thể sẽ cân bằng lại vào những tháng tới.
"Do vậy, nhập siêu trở lại trong tháng 5 là không đáng quan ngại và không có gì bất thường, bởi nhập siêu chủ yếu do các doanh nghiệp tăng nhập khẩu nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất, tới 90%", ông Hải nói.
Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi thị trường nhập khẩu, nhất là nhóm hàng không khuyến khích, hạn chế nhập khẩu để có biện pháp kiểm soát kịp thời, cân bằng trở lại cán cân thương mại.
Bộ Công Thương cũng đưa ra các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cam kết từ các hiệp định FTA, xúc tiến tìm kiếm thị trường xuất khẩu và tháo gỡ các rào cản thâm nhập thị trường mới.
Tại buổi Họp báo thường kỳ 5 tháng đầu năm 2021 chiều 17/6, trả lời câu hỏi về vấn đề xuất khẩu bền vững, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng có giá trị gia tăng cao. Đây là mục tiêu quan trọng hàng đầu.
Mặt khác, Việt Nam cũng phải làm tốt việc điều hành nhập khẩu thông qua các vấn đề như quy tắc xuất xứ, chống các biện pháp lẩn tránh, phát triển công nghiệp hỗ trợ thay thế hàng nhập khẩu…
Bộ Công Thương đang xây dựng Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa giai đoạn 2021-2030, sẽ trình Chính phủ xem xét và ban hành trong thời gian tới. Các quan điểm, định hướng về xuất khẩu bền vững sẽ được thể hiện rõ nét trong văn bản này.
Hoài Thương (t/h)VNDirect cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý IV với GDP dự báo tăng 7,1%, nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam lên 6,9%.