Bộ Công Thương nhận lại 6 doanh nghiệp Nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn
Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận 6 tập đoàn, tổng công ty lớn từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước.
Theo kế hoạch định hướng, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp sẽ kết thúc hoạt động và chuyển 19 tập đoàn, tổng công ty về lại các bộ ngành.
Tại hội nghị tổng kết Nghị quyết 18 về sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Bộ Công Thương mới đây, cơ quan này cho biết sẽ tiếp nhận lại chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước với 6 tập đoàn, tổng công ty nhà nước từ Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp. Dự kiến, việc tiếp nhận và hoàn thiện các thủ tục sẽ hoàn thành trước tháng 2/2025.
Những "ông lớn" này gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba).
Thực tế, 6 tập đoàn, tổng công ty này từng thuộc quản lý của Bộ Công Thương, nhưng được bàn giao về Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước vào tháng 11/2018. Như vậy, sau 6 năm, các doanh nghiệp Nhà nước lớn trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng lại quay về chịu sự quản lý của Bộ Công Thương. Ngoài tiếp nhận lại các doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Công Thương dự kiến giảm tối thiểu 15-20% đầu mối tổ chức bên trong.
Hiện số vốn Nhà nước tại 6 doanh nghiệp này ước đạt 800.000 tỷ đồng, chiếm 70% vốn Nhà nước trong nhóm 19 tập đoàn, tổng công ty mà Ủy ban nắm giữ.
Ngoài ra, về phương án dự kiến sắp xếp tổ chức bộ máy, Bộ Công Thương cho biết trong thời gian tới sẽ kết thúc hoạt động của các Ban Cán sự đảng, lập Đảng bộ Bộ Công Thương trực thuộc Đảng bộ Chính phủ theo yêu cầu và kế hoạch của Bộ Chính trị.
Kết thúc hoạt động của Văn phòng Ban Cán sự Đảng, chuyển nhiệm vụ về Đảng bộ Bộ Công Thương; sắp xếp, kiện toàn cơ cấu, tổ chức các bộ phận thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương theo hướng dẫn của cấp có thẩm quyền.
Về phương án dự kiến sắp xếp các đơn vị thuộc Bộ, Bộ Công Thương cho biết sẽ kết thúc mô hình tổ chức Tổng cục Quản lý thị trường. Thành lập Cục Quản lý giám sát thị trường nội địa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy cơ quan Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Thị trường trong nước.
Đồng thời chuyển 63 Cục Quản lý thị trường ở địa phương về UBND các tỉnh, thành phố và kiến nghị mô hình Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Hợp nhất Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực, tên đơn vị mới sau sắp xếp dự kiến là Cục Điện lực.
Hợp nhất Cục Công thương địa phương, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Khoa học và Công nghệ, tên Cục mới sau sắp xếp dự kiến là Cục Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.
Đổi tên Vụ Kế hoạch - Tài chính thành Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp. Chuyển chức năng tổng hợp tình hình phát triển công nghiệp và thương mại địa phương của Cục Công Thương địa phương về Vụ Kế hoạch, Tài chính và Quản lý doanh nghiệp.
Chuyển chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp, cụm công nghiệp của Cục Công thương địa phương về Cục Công nghiệp.
Đối với các đơn vị khác thuộc Bộ, tiếp tục nghiên cứu, sắp xếp, đảm bảo tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, giảm các tổ chức bên trong.
Huyền My (t/h)Mới đây, một trong những nhật báo lớn nhất Ấn Độ - Times of India, đã vinh danh những bãi biển tại đảo Phú Quốc trong top 9 đẹp nhất Châu Á.