Bộ Công Thương nói gì về việc điều hành giá xăng sớm hơn 10 ngày/lần?
Tại cuộc họp báo Chính phủ mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã cung cấp một số thông tin về tình hình cung ứng xăng dầu và công tác điều hành giá xăng dầu.
Thứ trưởng cho biết, thời gian qua giá mặt hàng này có sự biến động lớn do xung đột giữa Nga - Ukraine. Liên quan đến việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu, ông Hải chia sẻ, theo Nghị định 95/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 2/1/2022 thì Liên Bộ Công Thương - Tài Chính sẽ điều hành giá xăng dầu 10 ngày/ lần vào các ngày 1, 11, 21 hàng tháng.
Tuy nhiên, trong trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có sự biến động bất thường, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương sẽ họp và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định thời gian điều chỉnh giá xăng dầu cho phù hợp.
"Về phía Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã thống nhất 2 ngày/lần, tổ công tác điều hành giá sẽ ngồi bàn họp với nhau trao đổi về việc có cần thiết phải báo cáo Chính phủ xem xét quyết định thay đổi giá sớm hơn so với quy định hay không", ông nói và khẳng định theo đúng quy định liên Bộ sẽ điều hành 10 ngày/lần.
Liên quan đến nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, hiện nay, nguồn cung sản xuất trong nước đáp ứng được từ 70% đến 75%, thậm chí có thời gian lên tới 80%. Chủ yếu nguồn cung từ hai nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (chiếm 35% đến 40%) Bình Sơn (khoảng 35%).
Trong thời gian vừa qua, theo báo cáo, nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn gặp khó khăn về tài chính và một số khó khăn nội tại. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 1/2022, nhà máy Nghi Sơn đã phải giảm công suất.
"Đầu tiên là 90%, sau đó xuống còn 80%, hiện nay chỉ còn 55% đến 60% công suất thực hiện. Do đó, việc giao hàng cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (các hợp đồng đã được ký kết) giảm so với thỏa thuận giữa 2 bên", Thứ trưởng chia sẻ.
Trong khi đó, nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn dù có chỉ đạo tăng công suất (ở mức cho phép) để bù vào sự thiếu hụt của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, tuy nhiên, mức tăng của nhà máy Bình Sơn chưa đủ bù lượng thiếu hụt do nhà máy Nghi Sơn giảm công suất.
"Vì vậy, nguồn cung xăng dầu ở một số nơi cục bộ có khan hiếm chứ chưa nói là thiếu. Vì hệ thống xăng dầu của chúng ta có nhiều doanh nghiệp đầu mối, đảm bảo đủ, bất cứ một doanh nghiệp, một người dân đến đều mua được xăng dầu", ông Hải nói.
Mặt khác, Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, ở toàn miền Bắc, miền Trung là không thiếu, và chỉ có vài tỉnh phía Nam gần biên giới, cá biệt ở TP.HCM thiếu hụt cục bộ.
Tuy nhiên, ngay từ đầu tháng 1/2022, Bộ Công Thương và Bộ Tài Chính chỉ đạo cho doanh nghiệp đầu mối tăng cường nhập khẩu để bù đắp vào lượng thiếu hụt, cộng với lượng dự trữ thì trong tháng 3/2022 cơ bản đáp ứng được.
"Bộ đã giao 10 doanh nghiệp, thương nhân đầu mối nhập khẩu bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước để đảm bảo quý 2/2022, kể cả khi nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn không đáp ứng thì chúng ta vẫn đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định.
Giang AnhTrong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.