Bộ Công Thương phê duyệt khung giá phát điện nhà máy điện chất thải
Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 1251/QĐ-BCT ngày 6/5/2025 phê duyệt khung giá phát điện nhà máy điện chất thải năm 2025.
Theo đó, mức giá tối đa áp dụng cho các nhà máy điện rác là 2.575,18 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng).
Theo đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ đầu tư nhà máy điện rác sẽ đàm phán mức giá thực tế không vượt quá giá tối đa trên. Quy định mới này thay thế cho mức giá cố định ưu đãi trước đây theo Quyết định 31/2014 với ngưỡng 10,05 UScents/kWh (khoảng hơn 2.300 đồng/kWh).

Ban hành khung giá phát điện cho các nhà máy xử lý chất thải rắn năm 2025 (ảnh nguồn internet)
Về bản chất, các dự án đốt rác phát điện không phải là dự án phát điện thương mại thông thường (điện gió, điện mặt trời, thủy điện, nhiệt điện, điện khí…), mà có mục tiêu xử lý ô nhiễm môi trường là chính. Việc điều chỉnh giá lần này được kỳ vọng sẽ phản ánh sát hơn chi phí đầu tư, vận hành thực tế của các nhà máy điện rác, đồng thời thu hút thêm nguồn lực xã hội vào lĩnh vực xử lý chất thải gắn với phát điện.
Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh vừa được phê duyệt, điện rác được xác định là một trong những nguồn năng lượng tái tạo cần được ưu tiên phát triển. Bởi đây không phải là dự án phát điện thương mại thông thường như các loại hình nguồn điện khác, mà còn hướng đến mục tiêu xử lý môi trường cho các địa phương.
Mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất điện sản xuất từ rác, chất thải rắn đạt khoảng 1.441 - 2.137 MW; định hướng đến năm 2050 là khoảng 1.784 - 2.137 MW. Tuy nhiên, để biến mục tiêu này thành hiện thực, các chuyên gia cho rằng cần các giải pháp đồng bộ từ nhiều phía. Bên cạnh chính sách giá điện hợp lý, việc hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định và tạo cơ chế minh bạch được xem là những yếu tố then chốt để thu hút nhà đầu tư tiếp tục rót vốn vào lĩnh vực đầy tiềm năng này.
Huyền My (t/h)
Ngày 7/5, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề "Giải pháp đột phá tăng trưởng kinh tế hai con số trong kỷ nguyên mới".