Bộ Công Thương tích cực tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu hậu Covid-19
Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng toàn diện, sâu rộng đến tất cả quốc gia trên thế giới, hiện nay đang tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái nghiêm trọng, trong đó có Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, hội nhập quốc tế sâu rộng đã và đang chịu nhiều tác động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đã tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...
Ngay khi có dịch bệnh bùng phát, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, cùng với sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống dịch đã đạt kết quả tốt, Việt Nam đã đẩy lùi và kiểm soát được dịch bệnh. Đồng thời, đã có những chính sách kịp thời để từng bước hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19; các hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đang được khôi phục; tình hình kinh tế - xã hội đã có những chuyển biến tích cực; được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, nhân dân ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của Chính phủ.
Nhằm khắc phục tác động của đại dịch Covid-19, để phục hồi và phát triển kinh tế đất nước, ngày 05/6/2020 Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 77-KL/TW trong đó đã đề ra định hướng, các giải pháp cấp bách cần thực hiện ngay cũng như các giải pháp thực hiện trong dài hạn. Triển khai thực hiện Kết luận số 77-KL/TW, Bộ Công Thương đã tập trung triển khai đồng bộ một số giải pháp để cụ thể hóa và thực hiện nhiệm vụ: “Tập trung phục hồi và phát triển mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đa dạng hóa, tránh phụ thuộc vào một thị trường cả xuất khẩu và nhập khẩu; tăng cường xuất khẩu”. Các giải pháp được Bộ Công Thương đã và đang tiến hành cụ thể là:
Thứ nhất là, thực hiện nghiêm túc và quyết liệt các nội dung của Quyết định số 1457/QĐ-BCT ngày 3 tháng 6 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Quyêt định này có các nhiệm vụ được giao chi tiết cho từng đơn vị, lãnh đạo Cục, Vụ phụ trách và thời gian triển khai. Các công việc cần triển khai trong lĩnh vực xuất nhập khẩu là: tập trung tái cơ cấu thị trường xuất nhập khẩu khai thác tốt thị trường ngoài nước trong tình hình mới; rà soát, tính toán, xây dựng kịch bản khai thác, phát triển thị trường theo các nhóm ngành hàng mà ta có lợi thế, đặc biệt là sang thị trường EU và các thị trường mà Việt Nam đã có Hiệp định Thương mại tự do (FTA).
Thứ hai là, chuẩn bị các nhiệm vụ, điều kiện cần thiết để triển khai thực thi có hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) đã được Quốc hội thông qua vào ngày 08 tháng 6 năm 2020 như: nội luật hóa nội dung Hiệp định; tuyên truyền, phổ biến cho doanh nghiệp về quy tắc xuất xứ và cách thức tận dụng các Hiệp định FTA để thúc đẩy xuất khẩu…
Thứ ba là, tiếp tục theo dõi sát và tháo gỡ khó khăn trong trao đổi hàng hóa tại các khu vực cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu khu vực phía Bắc nhằm cải thiện năng lực thông quan hàng hóa; trao đổi, làm việc với phía Trung Quốc để đảm bảo vận tải giao thương ở biên giới; điều tiết lượng hàng hóa lên cửa khẩu, tránh để ùn tắc nhiều làm tăng chi phí.
Thứ tư là, duy trì, thúc đẩy quan hệ thương mại song phương thông qua việc tổ chức các buổi điện đàm trực tiếp giữa Bộ trưởng Bộ Công Thương với Bộ trưởng Bộ quản lý Thương mại, Cao ủy Thương mại của các thị trường lớn để trao đổi về tình hình hợp tác thương mại, qua đó tháo gỡ khó khăn về mở cửa thị trường (ví dụ như Úc, Trung Quốc, EU, Canada, ASEAN ...).
Thứ năm là, duy trì công tác phối hợp, làm việc với các Hiệp hội ngành hàng để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, thực trạng của doanh nghiệp và các yêu cầu cần thiết để đề xuất cơ chế chính sách phù hợp.
Thứ sáu là, khai thác thông tin thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu các mặt hàng mới (như khẩu trang, thiết bị phòng hộ cá nhân, máy móc, vật tư y tế....) Đẩy mạnh hình thức xúc tiến thương mại trực tuyến, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác có nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường có khả năng phục hồi sớm như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... Từ đó, từng bước mở rộng sang các thị trường khác theo diễn biến của tình hình dịch bệnh.
Thứ bảy là, đầu tư xây dựng và hoàn thiện hệ thống phần mềm quản lý quan hệ khách hàng tích hợp cơ sở dữ liệu doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam; chia sẻ quyền truy cập hệ thống cho hệ thống các Thương vụ, Trung tâm Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài để cùng khai thác, sử dụng để tăng cường khả năng kết nối cơ hội kinh doanh, đầu tư.
Thứ tám là, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các địa phương với mục tiêu cắt giảm các chi phí khai thác hạ tầng vận tải, cắt giảm chi phí logistics trong các hoạt động xuất nhập khẩu và lưu thông hàng hóa trong nước.
Thứ chín là, tiếp tục đẩy mạnh công tác đơn giản hóa thủ tục hành chính. Trong đó, tập trung triển khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực xuất nhập khẩu theo Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN… để tạo thuận lợi cho Hiệp hội và doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Dịch bệnh Covid-19 trên thế giới còn diễn biến phức tạp, khó lường, tác động tiêu cực của dịch bệnh đến các mặt của đời sống kinh tế - xã hội còn tiếp tục kéo dài, chưa thể đánh giá hết. Do vậy, bên cạnh việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên, thông qua hệ thống Thương vụ, cơ quan đại diện thương mại tại nước ngoài, Bộ Công Thương tiếp tục theo sát diễn biến tình hình thị trường, đặc biệt là tình hình phòng chống dịch Covid-19 ở các thị trường đối tác lớn, quan trọng của Việt Nam để kịp thời đề xuất, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc chủ động triển khai các biện pháp để tận dụng cơ hội thị trường, giảm thiểu khó khăn, tác động bất lợi đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam./.
Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công ThươngSáng 21/01, Tạp chí Doanh nghiệp và Tiếp thị đã tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025.