Bộ đội Biên phòng Lào Cai giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ
Hoàn lưu cơn bão số 3 đã gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng ở khắp các địa phương của tỉnh. Cùng với các lực lượng khác, những ngày này, Bộ đội Biên phòng Lào Cai luôn sát cánh cùng người dân khắc phục hậu quả thiên tai với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.
Khắc phục hậu quả thiên tai, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã cử hàng trăm cán bộ, chiến sĩ tích cực tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn. Các đơn vị biên phòng đứng chân trên địa bàn biên giới cũng phối hợp với lực lượng địa phương tích cực giải phóng đất, đá sạt lở, vật cản để sớm lưu thông các tuyến đường giao thông. Đối với những điểm, vị trí nguy hiểm, các đơn vị cắm biển cảnh báo, cử lực lượng nhắc nhở người tham gia giao thông. Không quản hiểm nguy, bộ đội biên phòng vượt suối, băng rừng, gùi lương thực, nhu yếu phẩm tới nhiều bản, làng vùng lũ bị cô lập để tiếp tế, hỗ trợ người dân.
Đến hiện tại, một số đơn vị biên phòng trên tuyến biên giới Lào Cai vẫn chưa có điện, việc thông tin, liên lạc với bên ngoài rất hạn chế. Nhiều gia đình cán bộ, chiến sĩ có người thân bị ốm, nhà ở bị hư hỏng do mưa lũ nhưng đều gác lại việc riêng để thực hiện nhiệm vụ chung.
Đại tá Trần Quang Tùng, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai cho biết: Trong những ngày qua, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã thành lập nhiều đoàn công tác để kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các đơn vị biên phòng, địa bàn biên giới.
Riêng ngày 12/9, đã có 2 đoàn công tác do đồng chí Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh làm trưởng đoàn trực tiếp kiểm tra thực tế tại huyện Bát Xát và Mường Khương. Tại đây, đoàn đã kiểm tra cơ sở vật chất, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ của các đơn vị, đồng thời thị sát một số khu vực bị sạt lở, xảy ra lũ ống, lũ quét để có những chỉ đạo sát thực tế.
Tính đến thời điểm này, theo thồng kê của Đồn Biên phòng Trịnh Tường không có thiệt hại về người. Trên địa bàn xã có 54 hộ với 201 nhân khẩu có nguy cơ sạt lở đã di chuyển các hộ đến nơi an toàn, trongđó: Ngay trong đêm ngày 08/9/2024, đơn vị đã tham mưu, phối hợp với địa phương thực hiện di chuyển 15 hộ dân với 27 nhân khẩu tại khu chân đồi Nâu thuộc thôn Bản Trang (giáp với bãi thải Mỏ đồng) đến tránh trú tại Trường Phổ thông bán trú THCS Cốc Mỳ. Hỗ trợ đảm bảo đời sống cho các hộ dân, UBND xã đã làm việc với Chi nhánh Mỏ tuyển đồng hỗ trợ các nhu yếu phẩm, thực phẩm sinh hoạt trong thời gian tránh trú tại trường.
Về tài sản, Xã Cốc Mỳ: sạt ta luy dương, hỏng và ngập úng 22 hộ dân ,xã Trịnh Tường 32 hộ dân (02 nhà bị sập và trôi hoàn toàn, 05 nhà bị lũ vùi lấp, 01 nhà bị sập bếp có nguy cơ đổ nhà, 03 nhà bị ngập úng, 20 nhà bị sạt tả ly dương.
Thiệt hại về sản xuất nông nghiệp: Xã Cốc Mỳ do mưa kéo dài gây ngập úng, ảnh hưởng tới khoảng 27 ha hoa màu lúa và 2,5ha ao nuôi trồng thủy sản (Ước tính thiệt hại khoảng 10 tấn cá các loại) cụ thể: Nước sông Hồng dâng ảnh hưởng đến hoa mầu và lúa tại thôn Bản Trang khoảng 10 ha. Nước Suối Ngòi Phát dâng cao đến hoa mầu và lúa tại thôn Nậm Chỏn khoảng 8ha (Có 05 ao cá của dân bị ngập, diện tích khoảng 5500m2, thiệt hại sản lượng ước tính khoảng 3 tấn cá). Nước sông Hồng dâng ảnh hưởng đến hoa mầu và lúa tại thôn Ná Lùng, Sơn Hà, Tân Giang, Bầu Bàng khoảng 9ha, diện tích ao nuôi thủy sản bị ngập khoảng 02ha, thiệt hại sản lượng ước tính khoảng 7 tấn cá các loại; xã Trịnh Tường thiệt hại tổng số hoa màu bị ngập vì lũ ống, lũ quyét là 50 ha. Các tuyến đường liên thôn sạt lở và nước lũ làm 12 thôn bị chia cắt và cô lập.
Căn nhà nhỏ của Thiếu tá Tẩn Sành Nhàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Trịnh Tường bị sạt lở taluy dương phía sau khiến khối lượng lớn bùn, đất tràn vào, ảnh hưởng tới nhiều vật dụng sinh hoạt. Nhận tin báo, anh Nhàn gọi điện động viên vợ và nhờ người thân tới giúp thu dọn để tiếp tục cùng đồng đội khắc phục hậu quả mưa lũ cho người dân địa phương. Và đồng chí đã tranh thủ về nhà để khắc phục hậu quả, hiện nay đã khơi thông.
Căn nhà nhỏ củaTrung úy Phàn A Chiến, nhân viên Đội phòng chống ma túy và tội phạm Đồn Biên phòng Trịnh Tường cũng bị sạt taluy dương lập vào tường nhà, nước ngẫm vào trong nhà hiện tại không ở được.
Trước đó, trận lũ quét trên suối Nà Lặc, xã Trịnh Tường đêm 10/9 đã khiến cả một vùng rộng lớn, trù phú hoa màu trở thành bình địa với hàng trăm ngàn mét khối đất, đá. Giao thông bị chia cắt, 3 thôn Nà Lặc, Lao Chải, Sín Chải của xã Trịnh Tường bị cô lập. Đồn Biên phòng Trịnh Tường đã lập tức cử cán bộ, chiến sĩ tới nắm tình hình hiện trường, phối hợp cùng chính quyền địa phương khẩn trương triển khai phương án tiếp cận các thôn để tiếp tế lương thực cho người dân ở vùng cô lập. Ngoài ra, đơn vị cũng cử lực lượng, phương tiện tới các địa bàn xung yếu, hỗ trợ người dân di dời người, tài sản và hướng dẫn người dân lưu thông an toàn.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục bám sát tình hình, diễn biến thực tế, kịp thời triển khai lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ; tăng cường lực lượng để hỗ trợ người dân sớm ổn định lại nơi ở, giúp đỡ hộ có hoàn cảnh khó khăn, không để hộ nào bị thiếu lương thực, thực phẩm, nơi ở.
Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai kết nối, huy động các nguồn lực để hỗ trợ người dân khu vực biên giới. Đến nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị đã tích cực huy động nguồn lực để hỗ trợ, trao tặng quà cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Hiện Bộ đội Biên phòng Lào Cai đã kết nối với các tổ chức, cá nhân hảo tâm trong và ngoài tỉnh huy động được trên 3,1 tỷ đồng, bao gồm tiền và các nhu yếu phẩm cần thiết, như: lương thực, thuốc, quần áo… để gửi tặng đồng bào khu vực biên giới.
Cùng với đó, chia sẻ mất mát với người dân vùng lũ, các cán bộ, chiến sĩ đã trích lương, phụ cấp, đồng thời huy động, kết nối các nguồn lực để hỗ trợ người dân vơi bớt khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.
Những việc làm trách nhiệm, hành động thiết thực nghĩa tình của Bộ đội Biên phòng Lào Cai nói riêng và các lực lượng tuyến đầu tham gia khắc phục hậu quả mưa lũ nói chung đã, đang góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quân – dân gắn bó bền chặt, cùng vượt qua khó khăn, hoạn nạn, chung sức xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.
Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư số 33/2024/TT-BGTVT quy định về quản lý giá dịch vụ sử dụng phà được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, do trung ương quản lý.