Bộ Giao thông Vận tải: Giải ngân vốn đầu tư công đạt 52% kế hoạch năm
Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho biết, tính hết tháng 8/2023, trong tổng kế hoạch vốn đầu tư công được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 95.200 tỷ đồng), Bộ Giao thông vận tải đã giải ngân khoảng 49.723 tỷ đồng, đạt khoảng 52% kế hoạch năm.
Theo Bộ Giao thông vận tải, tiến độ giải ngân đến hết tháng 8/2023 đạt 95% so với kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. So với cùng kỳ năm 2022, kết quả giải ngân cao gấp 2,2 lần về giá trị và cao hơn 12% về tỷ lệ (hết tháng 8/2022, Bộ Giao thông vận tải giải ngân khoảng 22.263 tỷ đồng, đạt khoảng 40% kế hoạch).
Giá trị giải ngân 8 tháng qua tập trung ở các dự án cao tốc Bắc - Nam, đạt hơn 36.200 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 74% giá trị giải ngân của cả Bộ Giao thông vận tải.
Trong đó, các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 giải ngân gần 9.500 tỷ đồng, đạt 54% kế hoạch năm và 98% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký. Các dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 giải ngân gần 26.800 tỷ đồng, đạt 59% kế hoạch năm và 93% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Bên cạnh đó, các dự án quan trọng, cấp bách giải ngân 547 tỷ đồng, đạt hơn 34% kế hoạch năm và 60% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án ODA giải ngân hơn 5.000 tỷ đồng, đạt 65% kế hoạch năm và 99% kế hoạch giải ngân các chủ đầu tư đăng ký.
Các dự án trong nước khác, giải ngân 7.870 tỷ đồng, đạt 35% kế hoạch năm và đạt 96% kế hoạch các chủ đầu tư đăng ký.
Dù năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được giao khối lượng công việc khổng lồ với nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công kỷ lục trên 95.000 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022 nhưng chỉ trong 8 tháng năm 2023, bộ đã giải ngân gần bằng con số cả năm 2022 (53.000 tỷ đồng) cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn.
Xét theo nhóm chủ đầu tư, ban quản lý dự án (QLDA), các chủ đầu tư thuộc Bộ Giao thông vận tải giải ngân gần 46.900 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 95% giá trị đã giải ngân của Bộ Giao thông vận tải), đạt gần 54% kế hoạch năm và 95% kế hoạch do các chủ đầu tư đăng ký. Một số ban QLDA có kết quả giải ngân đáp ứng hoặc cao hơn mức trung bình chung của Bộ như: Ban QLDA 2, Ban QLDA Thăng Long, Ban QLDA 6, Ban QLDA 7, Ban QLDA Mỹ Thuận, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA Đường sắt.
Các chủ đầu tư khác giải ngân hơn 2.800 tỷ đồng, đạt 36% kế hoạch năm và 90% kế hoạch do các chủ đầu tư đăng ký.
Mặc dù tiến độ giải ngân của Bộ Giao thông vận tải vẫn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước, tuy nhiên, theo Vụ Kế hoạch – Đầu tư, để giải ngân hết số vốn còn lại (khoảng 46.000 tỷ đồng) trong 5 tháng cuối năm là thách thức rất lớn đối với ngành Giao thông. Muốn làm được, cần sự nỗ lực, quyết tâm, đổi mới trong triển khai thực hiện của các chủ đầu tư/ban QLDA và sự đôn đốc, giám sát chặt chẽ của các cơ quan tham mưu.
Huyền My (t/h)Với triển vọng kinh tế Việt Nam tốt hơn vào những tháng cuối năm, Ngân hàng Quốc tế (World Bank - WB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024. WB nhấn mạnh: “Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động nhất Đông Á - Thái Bình Dương”.