Bộ GTVT đề xuất quy định mới về quản lý xe hợp đồng

Chính sách
12:47 PM 22/09/2024

Bộ GTVT đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ. Bộ GTVT đề xuất sửa một số quy định về quản lý xe hợp đồng nhằm phù hợp với Luật Đường bộ.

Theo dự thảo, trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng ô tô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) phải có hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh với người thuê cả chuyến xe, bao gồm cả người lái xe.

Bộ GTVT đề xuất quy định mới về quản lý xe hợp đồng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trường hợp đơn vị vận tải sử dụng xe dưới 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) sẽ không cần thực hiện quy định trên; tức loại xe này sẽ được gom các khách lẻ, khách ghép. Các xe này phải có phù hiệu "Xe hợp đồng" và được dán cố định phía bên phải mặt trong kính trước của xe; phải được niêm yết các thông tin khác trên xe.

Dự thảo yêu cầu 2 trường hợp đều phải tuân thủ quy định về việc phải có phù hiệu "xe hợp đồng", phải ký hợp đồng trước khi thực hiện chuyến đi, và chỉ được đón, trả khách theo đúng địa điểm trong hợp đồng vận chuyển đã ký kết.

Bộ GTVT còn đề xuất trong nội dung hợp đồng phải đơn vị kinh doanh phải thể hiện được: Thời gian bắt đầu thực hiện (ngày, giờ) và kết thúc hợp đồng; địa chỉ điểm đầu, điểm cuối và các điểm đón, trả khách (hoặc xếp, dỡ hàng hóa) trên hành trình vận chuyển; cự ly của hành trình vận chuyển (km); số lượng khách (hoặc khối lượng hàng hóa)…

Dự thảo tiếp tục yêu cầu các xe hợp đồng không được gom khách, đón khách ngoài danh sách đính kèm theo hợp đồng; không được xác nhận đặt chỗ cho từng hành khách đi xe, không được bán vé hoặc thu tiền đối với từng hành khách dưới mọi hình thức.

Các xe hợp đồng không được đón, trả khách thường xuyên lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh. Đây được xem là cơ sở, căn cứ xử lý vi phạm với các xe hợp đồng trên 8 chỗ nhưng trá hình tuyến cố định, đang diễn ra tràn lan hiện nay.

Quang Dũng (T/h)
Ý kiến của bạn
Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 nhân lực đại học trở lên phục vụ ngành bán dẫn Việt Nam sẽ đào tạo 50.000 nhân lực đại học trở lên phục vụ ngành bán dẫn

Đến năm 2030 Việt Nam đào tạo được ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên đáp ứng được nhu cầu tất cả các công đoạn của chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn.