Bộ GTVT dự kiến sẽ giải ngân đạt trên 95% vốn đầu tư công
Năm 2023, Bộ GTVT được giao hơn 94 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, vượt qua nhiều thách thức, kết quả giải ngân của Bộ đến hết niên độ dự kiến đạt trên 95% theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Sáng 28/12, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đến dự và chỉ đạo tại hội nghị.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết, thời gian qua, Bộ GTVT đã tập trung rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, cơ chế chính sách và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tháo gỡ đáng kể khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp và địa phương, khơi thông, giải phóng, huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần quan trọng tạo đà phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Đến tháng 12, ước giải ngân của Bộ đạt khoảng 90% kế hoạch và dự kiến hết niên độ đạt trên 95%.
Năm nay, Bộ được Chính phủ giao giải ngân hơn 94.160 tỷ đồng, gấp 1,7 lần năm 2022, gấp 2,2 lần năm 2021, cùng với 19,9 tỷ đồng bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông. "Khối lượng giải ngân lớn là nhiệm vụ thách thức trong bối cảnh nhiều dự án mới khởi công, giải phóng mặt bằng còn chậm. Nguyên vật liệu, nguồn cát đắp thiếu hụt, thời tiết diễn biến bất thường", ông Thắng nói.
Trong năm 2023, Bộ GTVT đã khởi công 26 dự án, trong đó 18 dự án đường bộ, 2 dự án đường thủy, 3 dự án đường sắt; hoàn thành 20 dự án, trong đó có 9 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam với chiều dài 475 km.
Để thúc đẩy giải ngân cho các dự án, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã giao chi tiết kế hoạch và điều chỉnh linh hoạt qua 10 đợt, điều chuyển vốn từ dự án chậm giải ngân, xử lý nghiêm cán bộ có hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho nhà thầu trong quá trình thanh toán...
Các nhà thầu được yêu cầu bố trí đầy đủ nhân lực, máy móc, tài chính, tổ chức thi công 3 ca 4 kíp. Vì vậy, kết quả giải ngân hàng tháng của Bộ GTVT luôn duy trì ở mức cao hơn bình quân chung cả nước.
Năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải đặt kế hoạch giải ngân trên 95% số vốn được giao; khởi công 19 dự án và hoàn thành các dự án theo đúng kế hoạch, trong đó đưa vào khai thác cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, nâng tổng số cao tốc đưa vào khai thác lên 2.021 km.
Ngành giao thông cũng đặt mục tiêu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư các tuyến đường sắt quan trọng quốc gia như TP HCM - Cần Thơ, Biên Hòa - Vũng Tàu, Long Thành - Thủ Thiêm, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành GTVT phát huy thành quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế. Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT phải quán triệt chủ trương của Đảng, điều hành của Chính phủ để tập trung nguồn lực đầu tư cho xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Bộ GTVT phải lấy đổi mới sáng tạo là động lực, nguồn lực trong việc dẫn dắt việc xây dựng, khảo sát, thiết kế, giám sát, tổ chức thi công… các công trình trọng điểm. Từ đó, góp phần bảo đảm tiến độ, chất lượng và chống tiêu cực, tham nhũng…
Ngành GTVT tập trung tiếp thu, hoàn thiện dự án luật được giao nhiệm vụ xây dựng. Bộ GTVT tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương trực tiếp thực hiện. Cùng với đó, ngành tập trung triển khai truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy định pháp luật.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.