Bộ GTVT giải ngân khoảng 40% tổng vốn được giao

Đầu tư và Tiếp thị
02:41 PM 29/06/2021

Bộ Giao thông Vận tải vừa có thông tin về kết quả giải ngân vốn của Bộ. Theo đó, dự kiến đến 30/6 Bộ Giao thông Vận tải sẽ giải ngân được khoảng 17.311 tỷ đồng, tương đương khoảng 40% tổng số vốn được giao của cả năm.

Cụ thể, năm 2021, tổng kế hoạch vốn của Bộ Giao thông Vận tải được giao khoảng 43.401 tỷ đồng, gồm 42.996 tỷ đồng kế hoạch năm, trong đó có 38.159 tỷ đồng vốn trong nước, 4.837 tỷ đồng vốn nước ngoài và khoảng 405 tỷ đồng kế hoạch kéo dài năm 2020.

Tính tới hết tháng 6/2021, Bộ Giao thông Vận tải dự kiến giải ngân 17.311 tỷ đồng, đạt 40% tổng số kế hoạch năm. Đây được xem là tỷ lệ giải ngân cao nếu so với ước tính tỷ lệ giải ngân bình quân chung khối các bộ, ngành Trung ương đến hết tháng 6/2021 theo tính toán của Bộ Tài chính là 22,02% (trong đó, vốn trong nước 23,75%).

 Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được 40% kế hoạch - Ảnh 1.

Bộ Giao thông vận tải giải ngân đạt 40% kế hoạch năm. Ảnh minh họa/TTXVN

Về kết quả giải ngân một số dự án trọng điểm lớn, đến nay, 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã điều chuyển bổ sung 1.637 tỷ đồng, bảo đảm đủ vốn triển khai 2 dự án mới chuyển sang đầu tư công (quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu). Dự kiến, tháng 6/2021 giải ngân được 2.424 tỷ đồng, lũy kế tới hết tháng 6/2021 giải ngân được 6.935/14.981 tỷ đồng, đạt 46,3% kế hoạch. Công tác giải ngân cơ bản đáp ứng yêu cầu. 

Dự kiến, đến hết tháng 6/2021, Bộ Giao thông vận tải đạt tỷ lệ giải ngân cao hơn so với bình quân chung cả nước và cao hơn tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm 2020 (khoảng 6%). 

Với kết quả nói trên, trong 6 tháng cuối năm 2021, Bộ cần tiếp tục giải ngân 26.090 tỷ đồng (gồm 3.620 tỷ đồng vốn nước ngoài, 22.065 tỷ đồng vốn trong nước). 

Đánh giá về những khó khăn đối với nhiệm vụ giải ngân 6 tháng cuối năm, trao đổi với báo chí ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) cho rằng, các dự án mới bắt đầu từ cuối năm 2020 hiện nay mới đang triển khai các hạng mục phần nền, móng nên giá trị thanh toán, giải ngân không nhiều; một số dự án ODA đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt thiết kế kỹ thuật nên chưa triển khai thi công; mùa mưa bão đang đến gần; biến động giá vật liệu tăng cao (đặc biệt là giá thép xây dựng tăng 40-50% trong thời gian gần đây) dẫn đến việc các nhà thầu có biểu hiện thi công cầm chừng. 

Bên cạnh đó, ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trong năm 2021 tiếp tục có tác động tới công tác tổ chức thi công tại hiện trường. Do vậy, đối với nguồn vốn trong nước, để phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch, cần sự quyết tâm cao độ, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của thủ trưởng các đơn vị chủ đầu tư, ban quản lý dự án và sự tích cực phối hợp với địa phương, các đơn vị có liên quan trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, di dời cơ sở hạ tầng kỹ thuật. 

Đặc biệt, đối với các dự án được bố trí vốn lớn như: Dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; 2 dự án đường lăn, cất hạ cánh cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất và các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách, các dự án ODA mới triển khai thực hiện, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần nắm chắc tình hình thực hiện, bám sát kế hoạch giải ngân chi tiết hằng tháng, nghiên cứu đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tiến độ thực hiện, giải ngân đối với từng dự án.

Huyền My (T/h)
Ý kiến của bạn
IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình IMF: Việt Nam thuộc nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình

Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) đánh giá Việt Nam không còn là quốc gia thu nhập thấp đang phát triển (LIDC) và đưa vào nhóm thị trường mới nổi và nền kinh tế thu nhập trung bình (EMMIE).