Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh vốn đầu tư dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc
Cụ thể, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.046 tỷ đồng, tăng khoảng 707 tỷ đồng.
Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo đó, Bộ GTVT kiến nghị điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án từ hơn 5.339 tỷ đồng lên hơn 6.046 tỷ đồng, tăng khoảng 707 tỷ đồng. Trong đó, vốn đối ứng tăng từ hơn 988 tỷ đồng lên hơn 1.643 tỷ đồng; vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Úc tăng từ hơn 101 tỷ đồng lên hơn 143 tỷ đồng.
Đề cập đến lý do điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, Bộ GTVT cho biết, theo quyết định phê duyệt đầu tư dự án số 2034 ngày 17/9/2018 của Bộ GTVT, chi phí GPMB là gần 312 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả cập nhật cho thấy, chi phí GPMB dự án đến nay là hơn 1.020 tỷ đồng (tăng hơn 708 tỷ đồng). Trong đó, chi phí đền bù, hỗ trợ di dời người dân, chi phí chương trình phục hồi thu nhập và chi phí tổ chức thực hiện là hơn 685,6 tỷ đồng; Chi phí hỗ trợ xây dựng khu tái định cư là gần 63 tỷ đồng; Chi phí di dời công trình hỗ trợ kỹ thuật là hơn 256,2 tỷ đồng; Trồng rừng thay thế là gần 15,5 tỷ đồng.
Đối với nguồn vốn tăng thêm, Bộ GTVT dự kiến cân đối vốn đối ứng hơn 708 tỷ đồng để bổ sung cho chi phí GPMB từ nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ GTVT.
Dự án kết nối giao thông các tỉnh miền núi phía Bắc do Ngân hàng phát triển châu Á và Chính phủ Úc tài trợ nhằm rút ngắn hành trình từ các trung tâm chính trị kinh tế của tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và các địa phương khác có liên quan về thủ đô Hà Nội, nâng cao hiệu quả khai thác đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai.
Quy mô của dự án gồm 2 tuyến, gồm: Tuyến 1 kết nối Lai Châu với cao tốc Hà Nội - Lào Cai với chiều dài khoảng 147km, quy mô cấp 3 miền núi. Tuyến 2 nối Nghĩa Lộ (Yên Bái) với cao tốc Hà Nội - Lào Cai có chiều dài khoảng 53km, đường cấp 4 miền núi.
Dự án được chia thành 11 gói thầu, dự kiến được thực hiện tổng trong khoảng 4 năm, cơ bản hoàn thành vào năm 2024.
Tính đến đầu tháng 2/2023, có 8/11 gói thầu của dự án đã được triển khai thi công, sản lượng đạt 11,44% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng tiến độ. 3 gói thầu còn lại đang trong quá trình lựa chọn nhà thầu, dự kiến sẽ khởi công toàn bộ trong tháng 2 và tháng 3/2023.
Trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, Standard Chartered dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải, lãi suất được duy trì ở mức thấp. GDP của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức 6,8% năm 2024, nhờ xuất khẩu và công nghiệp giữ đà tích cực.