Bộ GTVT phấn đấu đến năm 2025 cả nước sẽ có 3.000km đường bộ cao tốc
Bộ Giao thông vận tải cho biết, phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000km đường bộ cao tốc; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Ngày 8/9, tại Thanh Hóa, Bộ Giao thông vận tải phối hợp 3 tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An.
Theo đó, dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 được Quốc hội khóa XIV thông qua chủ trương đầu tư, gồm 11 dự án thành phần với tổng chiều dài 654km. Trong đó, có 8 dự án thành phần được đầu tư bằng hình thức đầu tư công và 3 dự án thành phần được đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP).
Tính đến nay, đã có 8 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đã được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 519km, bao gồm 4 dự án thành phần kết nối từ Ninh Bình đến Nghệ An. Hai đoạn còn lại là Diễn Châu - Bãi Vọt, Cam Lâm - Vĩnh Hảo và cầu Mỹ Thuận 2 đang tiếp tục khẩn trương triển khai thi công. Theo kế hoạch, toàn bộ các dự án giai đoạn 1 sẽ hoàn thành trong quý II/2024.
Cụ thể, theo báo cáo chi tiết, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông giai đoạn 2017-2020, đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đã thông xe đưa vào khai thác gồm 4 dự án thành phần, có chiều dài 171,85km, tổng mức đầu tư 27.353 tỷ đồng, đi qua địa phận 4 tỉnh (Nam Định 5,1km, Ninh Bình 24,4km, Thanh Hóa 98,8km, Nghệ An 43,5km).
Trong đó, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn dài 15,2km, tổng mức đầu tư 1.607,4 tỷ đồng do Sở Giao thông vận tải Ninh Bình làm chủ đầu tư; đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 dài 63,37km, tổng mức đầu tư 12.918 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư; đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn dài 43,28km, tổng mức đầu tư 5.534,5 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư và đoạn Nghi Sơn-Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư 7.293,2 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư.
Đến nay, cả 4 đoạn đều đã hoàn thành và đưa vào khai thác. Trong đó, đoạn Cao Bồ-Mai Sơn đưa vào khai thác tháng 2/2022; đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 đưa vào khai thác tháng 4/2023 và 2 đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn, Nghi Sơn-Diễn Châu đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2023.
Việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An đưa vào khai thác đã rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Nghệ An (Diễn Châu) chỉ còn khoảng 3 - 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hoá giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ; giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông trên tuyến Quốc lộ 1; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực và hình thành, phát triển các khu công nghiệp, trung tâm văn hoá, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung bộ.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết: Quá trình thực hiện đã gặp không ít khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng lớn đến tiến độ của dự án. Cụ thể: Trong giai đoạn cả nước tập trung phòng, chống đại dịch COVID-19, nhiều thời điểm giãn cách xã hội, không thể huy động nhân sự, vận chuyển máy móc vào công trường. Bên cạnh đó, dự án đi qua khu vực có địa hình, địa chất phức tạp, nền đất yếu đòi hỏi phải theo dõi, điều chỉnh kịp thời về thiết kế kỹ thuật để bảo đảm chất lượng.
Ngoài ra cần phải kể tới việc giá nhiên liệu, vật liệu có thời điểm tăng cao đột biến; khó khăn về việc khai thác, cung ứng nguồn vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là đất đắp nền đường; thời tiết, khí hậu cực đoan, mùa mưa đến sớm và kéo dài hơn thường lệ khiến nhiều thời điểm không thể thi công…
Tuy nhiên, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các ban, bộ, ngành liên quan cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân khu vực dự án, sự phối hợp kịp thời của các đơn vị thi công nên đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Các chủ đầu tư, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế đã không quản ngại khó khăn, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp điều kiện thực tế hiện trường, với tinh thần “hăng say lao động”, “vượt nắng, thắng mưa”, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, thi công xuyên lễ, xuyên Tết trên công trường, góp phần quan trọng đưa dự án vào khai thác đúng theo kế hoạch.
Từ những khó khăn đã vượt qua, để phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục giữ được tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm, quyết tâm cao nhất để hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ rất nặng nề phía trước, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tin tưởng dưới sự quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo cũng như sự tháo gỡ kịp thời về chính sách của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành phấn đấu đến cuối năm 2025, sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000km đườg bộ cao tốc; qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ đã đề ra.
Huyền My (t/h)Công ty CP Vận tải đường sắt cho biết tổ chức chạy tăng cường thêm nhiều chuyến tàu tuyến Bắc - Nam phục vụ người dân về quê, đón tết Nguyên đán 2025.