Bộ GTVT ủng hộ bổ sung Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Công văn số 5517 trả lời đề xuất của UBND tỉnh Đắk Nông liên quan tới việc bổ sung sân bay Nhân Cơ vào quy hoạch sân bay chuyên dùng quốc phòng kết hợp với dân sự.
Theo đó, Bộ GTVT ủng hộ chủ trương và đề nghị tỉnh chủ động làm việc, thống nhất với Bộ Quốc phòng để bổ sung sân bay Nhân Cơ trong quy hoạch của tỉnh, đồng thời kêu gọi các nguồn lực để đầu tư, phát triển sân bay Nhân Cơ với tính chất là sân bay chuyên dùng theo quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai, Bộ GTVT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan.
Trước đó, trong văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông liên quan tới đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch cảng hàng không lưỡng dụng Nhân Cơ, Bộ GTVT đã đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông điều chỉnh nội dung "Quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng sân bay Nhân Cơ trở thành sân bay lưỡng dụng đạt tiêu chuẩn 3C (quy mô dự kiến khoảng 200-250ha) theo hướng mở rộng sân bay Nhân Cơ hiện tại..." thành "Quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng sân bay Nhân Cơ trở thành sân bay lưỡng dụng với tính chất là sân bay chuyên dùng đạt tiêu chuẩn 3C (quy mô dự kiến khoảng 200-250ha) theo hướng mở rộng sân bay Nhân Cơ hiện tại...".
Bộ GTVT cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông xem xét, bổ sung nội dung "nghiên cứu, khảo sát, đánh giá khả năng chuyển sân bay Nhân Cơ thành cảng hàng không trong trường hợp đủ điều kiện và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc".
Trước đó, vào tháng 3/2021, UBND tỉnh Đắk Nông đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT bổ sung quy hoạch cảng hàng không lưỡng dụng Nhân Cơ, trước mắt đầu tư xây dựng sân bay quân sự trên cơ sở tận dụng và mở rộng sân bay Nhân Cơ trước đây để phục vụ cho mục đích quốc phòng và dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thời gian đầu tư trong giai đoạn 2030- 2050.
Hiện Đắk Nông chỉ có duy nhất một phương thức vận tải đường bộ, ngoài ra chưa có thêm các phương thức vận tải khác được đầu tư. Điều này tạo ra nhiều hạn chế cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài cho năm tài chính 2024, do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện, có đến 56,1% số doanh nghiệp được khảo sát trả lời sẽ “mở rộng” kinh doanh trong 1-2 năm tới.