Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ dán thẻ ETC

Đầu tư và Tiếp thị
07:43 PM 04/03/2022

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi các đơn vị yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC), mục tiêu từ 1/6 sẽ dừng thu phí thủ công.

Theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến hết năm 2021, mới có hơn 2,3 triệu trong tổng số gần 5 triệu phương tiện trên cả nước dán thẻ thu phí ETC. Trong đó, lượng thẻ nạp tiền vào tài khoản để sử dụng dịch vụ đạt khoảng 65%.

Để đạt được mục tiêu từ 1.6 dừng thu phí thủ công, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị đẩy nhanh tiến độ dán thẻ ETC - Ảnh 1.

Làn thu phí ETC tại trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Internet

Để đẩy nhanh tiến độ dán thẻ, GTVT vừa có văn bản yêu cầu các sở GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đăng kiểm, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), các nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư BOT triển khai Công điện số 155 ngày 22/2 của Thủ tướng Chính phủ triển khai dán thẻ định danh dịch vụ thu phí điện tử không dừng.

Theo đó, Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, dán thẻ định danh toàn bộ các phương tiện ô tô thuộc phạm vi quản lý; vận động cán bộ công chức, viên chức, người lao động gương mẫu dán thẻ định danh đối với các phương tiện cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí tự động ETC, bảo đảm không sử dụng hình thức thu phí thủ công từ ngày 1/6.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam được yêu cầu triển khai thí điểm chỉ thu phí ETC tại tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Phối hợp với Cục CSGT phân luồng giao thông, xử lý các phương tiện đi sai làn thu phí ETC để khuyến khích các phương tiện dán thẻ. Đôn đốc các địa phương, nhà cung cấp dịch vụ đẩy nhanh tiến độ dán thẻ.

Cục Đăng kiểm được giao phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tuyên truyền, tổ chức dán thẻ định danh cho phương tiện tại các trạm đăng kiểm. Đồng thời, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu các phương tiện với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ để hỗ trợ quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC.

Bộ GTVT cũng yêu cầu VEC đẩy nhanh tiến độ triển khai thu phí ETC tại các tuyến cao tốc do VEC quản lý, lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí trong quý I/2022, lắp đặt và vận hành trong quý II/2022.

Liên quan đến các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, Bộ GTVT yêu cầu khắc phục bất cập trong quá trình vận hành; làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Đối với các nhà đầu tư BOT, Bộ GTVT yêu cầu phối hợp, tạo điều kiện tối đa cho nhà cung cấp dịch vụ triển khai công tác dán thẻ tại các trạm thu phí. Đồng thời, lắp đặt, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng các làn thu phí còn lại, bảo đảm tại mỗi chiều xe chạy chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp và hoàn thành trong quý I/2022.

Tại Công điện 155, Chính phủ cho biết, đến nay số xe dán thẻ định danh để sử dụng dịch vụ ETC còn thấp (đạt khoảng 50% số xe trên toàn quốc), điều này chưa phát huy tốt hiệu quả của hệ thống thu phí theo hình thức ETC.

Để phát huy hiệu quả hệ thống thu phí theo hình thức ETC, góp phần giảm ùn tắc giao thông và minh bạch trong hoạt động thu phí, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố; người đứng đầu các cơ quan và tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội ở trung ương và địa phương chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ ôtô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị (kể cả đối với các đơn vị trực thuộc) để sử dụng dịch vụ ETC khi tham gia giao thông qua các trạm thu phí; vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương gương mẫu thực hiện dán thẻ định danh đối với ôtô cá nhân để tham gia dịch vụ ETC, không sử dụng hình thức thu phí thủ công kể từ ngày 1/6/2022.


Quang Dũng
Ý kiến của bạn
Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng Tổng nhu cầu vốn ngành năng lượng khoảng hơn 4.000 nghìn tỷ đồng

Theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng nhu cầu vốn đầu tư của ngành năng lượng toàn giai đoạn 2021 - 2030 cần khoảng 4.133 - 4.808 nghìn tỷ đồng.