Bộ Kế hoạch & Đầu tư và ADB công bố hỗ trợ 1 triệu USD cho startup Việt trong 4 lĩnh vực

Doanh nghiệp - Doanh nhân
04:29 PM 07/10/2021

Đối tượng ưu tiên của dự án là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong 4 lĩnh vực: Công nghệ sạch (cleantech), Công nghệ tài chính (fintech), Nông nghiệp (agritech), và Sức khỏe, y tế (healthtech), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.

Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) chính thức công bố Dự án "Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp có tính đổi mới sáng tạo" (ADB Ventures) do ADB tài trợ.

Với khoản tài trợ 1 triệu USD dành cho Việt Nam trong thời gian thực hiện từ năm 2021 -2023, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp được tiếp cận nguồn vốn viện trợ và đầu tư cũng như các kỹ năng để phát triển kinh doanh. 

"Các đối tượng ưu tiên của Dự án sẽ là các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp nằm trong các lĩnh vực: công nghệ sạch (cleantech), tài chính (fintech), nông nghiệp (agritech) và sức khỏe y tế (healthtech)", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết.

"Đây là các lĩnh vực tiềm năng và ưu tiên phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới. Mặc dù nguồn vốn không lớn, nhưng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận vốn đầu tư mạo hiểm tại thị trường Việt Nam và thị trường các quốc gia thành viên khác của ADB thông qua các khoản hỗ trợ kỹ thuật, qua đó giảm một phần rủi ro thị trường đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển các giải pháp tạo ra sự thay đổi tích cực đến biến đổi khí hậu, bình đẳng giới".

Việt Nam sẽ tham gia thực hiện một phần của chương trình khu vực, đó là 2 hợp phần hỗ trợ kỹ thuật bao gồm Hỗ trợ kỹ thuật Thử nghiệm công nghệ (ADB Ventures Lab) và Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật Hạt giống (ADB Ventures SEED). 

Thông qua hai hợp phần hỗ trợ kỹ thuật này, ADB Ventures sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp giảm rủi ro thị trường, đồng thời kết nối các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp với các khách hàng tiềm năng và hỗ trợ doanh nghiệp triển khai thí điểm các giải pháp công nghệ ở các thị trường mới.

Hợp phần ADB Ventures Lab sẽ hợp tác với những đối tác đổi mới sáng tạo hàng đầu để lựa chọn các nhà cung cấp giải pháp công nghệ. 

Trong khi đó, hợp phần ADB Ventures SEED cung cấp khoản tài trợ hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại lên tới 200.000 USD cho mỗi doanh nghiệp được lựa chọn để thí điểm và thử nghiệm các giải pháp công nghệ tại các thị trường mới. Các doanh nghiệp này chủ yếu được chọn lọc từ Hợp phần 1 để thẩm định nhằm mục đích giảm rủi ro cho các khoản đầu tư mạo hiểm tiềm năng.

"Khoản tài trợ này như một đòn bẩy để tăng khả năng của doanh nghiệp tiếp cận thêm nguồn vốn khác", ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia - Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết.

Với chức năng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của các doanh nghiệp, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) sẽ phối hợp với ADB tìm kiếm, lựa chọn các doanh nghiệp tiềm năng đang hoạt động tại Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện của Dự án.

Dự kiến, sẽ có 15 ý tưởng kinh doanh khả thi được thử nghiệm trong hợp phần Dự án Hỗ trợ kỹ thuật Thử nghiệm công nghệ (ADB Ventures Lab) và 10 doanh nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam nhận được khoản tài trợ trong Hợp phần Hỗ trợ kỹ thuật Hạt giống (ADB Ventures SEED).

Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia là cơ quan trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với chức năng phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ và mô hình kinh doanh mới; hỗ trợ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của các doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Bảo Bảo
Ý kiến của bạn
Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030 Kinh tế số có thể đem lại 74 tỷ USD cho Việt Nam vào năm 2030

Theo nghiên cứu về nền kinh tế số Việt Nam của tập đoàn Google, dự báo đến năm 2030, giá trị tác động kinh tế hàng năm của công nghệ số tại Việt Nam có thể đạt đến 1.733 nghìn tỷ đồng, tương đương 74 tỷ USD.