Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2023

Đầu tư và Tiếp thị
09:19 AM 04/04/2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng và kiến nghị lựa chọn Kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.

Vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2023.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước - thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết 01 (kịch bản là 5,6%).

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2023 - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, do ảnh hưởng tác động từ bên ngoài, tăng trưởng kinh tế quý I/2023 thấp hơn kịch bản đề ra và đang phải đối mặt với nhiều nhó khăn, thách thức; lạm phát tiềm ẩn rủi ro; xuất khẩu giảm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế khó khăn; sức ép điều hành kinh tế vĩ mô tăng cao.

Ngoài ra, việc phối hợp của một số bộ, cơ quan, trong một số trường hợp còn chưa hiệu quả, kéo dài, lãng phí thời gian, nguồn lực hỗ trợ nền kinh tế, sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên ông Dũng đánh giá, trong bối cảnh khó khăn gia tăng, nhất là tình hình kinh tế thế giới không thuận, lạm phát thế giới vẫn ở mức cao, tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhất là ở các nền kinh tế lớn giảm mạnh, kết quả đạt được quý I/2023 cơ bản là tích cực. Tăng trưởng GDP quý I đạt mức khá so với bình quân chung của thế giới và khu vực.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng năm 2023 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng.

Theo đó, tại kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01 (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%).

Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 5 năm là 6,5%.

Tại kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết 01), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01).

"Đây là kịch bản rất thách thức, đòi hỏi nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị. Hiện nay, hầu hết các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội đã hết thời gian thực hiện hoặc hiệu quả thấp. Do đó, cần sớm ban hành chính sách hỗ trợ mới như giảm thuế, phí…, tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ.

Với hai kịch bản đưa ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản 2, phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 từ 6,5-7%.

Theo đó, bước sang quý 2/2023, Bộ trưởng kiến nghị các bộ, cơ quan và địa phương kịp thời tham mưu, ban hành và triển khai nhanh, hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, thu hút đầu tư, khơi thông nguồn lực, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm (6,5%); phản ứng chính sách kịp thời, chủ động trước các yếu tố rủi ro, tình huống mới phát sinh...

Tập trung theo dõi sát, phân tích, dự báo tình hình thế giới, trong nước và tác động đến nước ta, nhất là chính sách của các nền kinh tế lớn, sự dịch chuyển, các xu hướng lớn toàn cầu; chủ động xử lý theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ định hướng, giải pháp phù hợp trong quản lý, chỉ đạo, điều hành tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô.

Các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn trên địa bàn.

Triển khai nhanh, đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; thành lập Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho từng địa phương và của cả nền kinh tế.

Khánh Vy (t/h)
Ý kiến của bạn
Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước Thu nhập người dân Đông Nam Bộ cao nhất cả nước

Trong 6 vùng trên cả nước thì Đông Nam Bộ là vùng có thu nhập bình quân đầu người cao nhất, đạt khoảng 6,3 triệu đồng/tháng; vùng có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất là Trung du miền núi phía Bắc, đạt 3,1 triệu đồng/tháng.