Bộ KH&ĐT: Tăng trưởng GDP nửa cuối năm phải đạt tới 8 - 9%
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa cập nhật 2 kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2023 khi Việt Nam phấn đấu GDP cả năm tăng 6 - 6,5%. Theo cả hai kịch bản, hai quý còn lại của năm, tốc độ tăng trưởng GDP phải đạt ở mức rất cao, lên tới 8 - 9%.
Sau khi tăng trưởng GDP 6 tháng ước chỉ đạt 3,72%, thấp hơn so với kịch bản đã đề ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật hai kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6/2023, diễn ra ngày 4/7/2023.
Theo đó, tại kịch bản 1, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt 6% thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%, quý IV đạt 9%, cao hơn lần lượt 0,3 điểm phần trăm và 1,9 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm, tăng trưởng GDP phải đạt 8,0%.
Ở kịch bản 2, để tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6,5%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 7,4%, quý IV đạt 10,3%, cao hơn lần lượt 0,9 điểm phần trăm và 3,2 điểm phần trăm so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Tính chung 6 tháng cuối năm tăng trưởng phải đạt 8,9%.
Như vậy, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thậm chí chỉ là 6%, thì trong hai quý còn lại của năm, tốc độ tăng trưởng phải đạt ở mức rất cao, không phải chỉ là 7-7,5% như kịch bản đã được cập nhật hồi đầu tháng 4/2023, mà phải lên tới 8-9%.
Đây là một thách thức không nhỏ. Bởi theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình thời gian tới vẫn còn nhiều khó khăn. Nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề, đòi hỏi sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội, phấn đấu để kết quả cao nhất theo mục tiêu đã đề ra.
Hơn nữa, vừa qua, một số tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam, như IMF giảm từ 6,5% xuống 4,7%, World Bank giảm từ 6,3% xuống 6%, nhưng cơ bản vẫn ở mức tích cực, phù hợp với diễn biến tình hình.
Theo đó, nền kinh tế Việt Nam cũng xuất hiện một số yếu tố thuận lợi hơn trong nửa cuối năm như doanh nghiệp đã chủ động thích ứng với tình hình mới của thế giới và trong nước; các chính sách, giải pháp tiền tệ, tài khóa đã được triển khai và sẽ bắt đầu được triển khai trong thời gian tới; nhiều dự án quy mô lớn, quan trọng quốc gia được khởi công, tăng tốc thực hiện, giải ngân... Những yếu tố này sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong nửa cuối năm và cả năm 2023.
Dù có nhiều tín hiệu khả quan nhưng trong những tháng cuối năm, các bộ, cơ quan và địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt hơn, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp điều hành trọng tâm. Đó là chủ động thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào quản lý và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng về tiêu dùng trong nước, đầu tư, xuất khẩu; phát triển bền vững các thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lao động...
Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, chuyển đổi số. Bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân. Tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng, giải quyết triệt để các vấn đề bất cập, vướng mắc trong lĩnh vực giáo dục, y tế. Bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Minh An (t/h)Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng lượng tiền gửi của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tại thời điểm tháng 8 vào ngân hàng thương mại đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với hơn 13.763.230 tỷ đồng.