Bộ KH&ĐT: Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, xuất hiện nhiều hơn những DN vừa và lớn
Trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020.
Thông tin từ Báo Chính phủ cho biết, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT, năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp khu vực tư nhân có lợi nhuận chiếm 33,86% tổng số doanh nghiệp, giảm gần 4,61% so với năm 2019. Trong 3 tháng đầu năm 2021, chỉ có khoảng 60% doanh nghiệp khu vực tư nhân phát sinh doanh thu, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 6 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục có xu hướng gia tăng, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 11.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong đó đã xuất hiện nhiều hơn những doanh nghiệp quy mô vừa và lớn.
Trước tình hình này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như: Hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động; giãn, hoãn, giảm thuế; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ…
Những chính sách này đã phần nào giảm bớt các khó khăn của doanh nghiệp, góp phần quan trọng duy trì tăng trưởng và phát triển kinh tế (GDP năm 2020 đạt gần 3%) và Việt Nam là một trong số ít các quốc gia duy trì tăng trưởng dương năm 2020, còn trong 6 tháng đầu năm GDP đạt 5,64%.
Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, các doanh nghiệp đang tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong khi các nguồn lực dự trữ đang cạn dần, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm, việc áp dụng các chính sách giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành trên cả nước đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhất là trong khâu tổ chức sản xuất, lưu thông hàng hoá.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu để kiến nghị một số chính sách nhằm tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể duy trì, trụ vững được qua đại dịch.
Theo đó, Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng do Bộ KH&ĐT làm Thường trực sẽ tiến hành rà soát các khó khăn, vướng mắc, thủ tục của tất cả các dự án thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bộ KH&ĐT kiến nghị các giải pháp, chính sách có thể giãn, hoãn tối đa các khoản thuế, phí, phải nộp cho doanh nghiệp; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Chính phủ sửa đổi Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng tăng mức hỗ trợ, tập trung vào đối tượng doanh nghiệp tham gia cụm, chuỗi liên kết, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số). Sửa đổi quy định về Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để mở rộng đối tượng hỗ trợ; tạo cơ chế luồng xanh cho doanh nghiệp hoạt động (các bộ, ngành, địa phương tập trung lực lượng, có thể thành lập tổ phản ứng nhanh để triển khai cơ chế luồng xanh cho hàng hoá của doanh nghiệp, người dân). Đẩy nhanh cơ chế tiêm vaccine cho các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp, hàng không, du lịch, lưu trú, vận tải…
Tại phiên thảo luận chiều ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thông tin về chương trình phục hồi kinh tế mà Chính phủ đã giao cho Bộ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu đề xuất lộ trình thực hiện trong quý IV năm nay.
PVMỗi ngày, chúng ta thải ra hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải đô thị chiếm khoảng 60%. Ngoại trừ các loại rác không thể tái chế chiếm số lượng nhỏ, phần lớn còn lại vẫn chưa thực sự được khai thác triệt để và tận dụng hết giá trị. Có thể nói, chúng ta vẫn còn đang lãng phí nguồn tài nguyên rác thải này.