Gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản Việt từ EVFTA
EVFTA với các cam kết cao nhất trong các Hiệp định FTA được xem là “cơ hội vàng” để ngành nông sản Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu.
Hiệp định EVFTA với những cam kết cao nhất so với các Hiệp định FTA, sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam gia tăng giá trị xuất khẩu.
Đối với ngành nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, Hiệp định EVFTA là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường và gia tăng giá trị xuất khẩu. Hiện EU đang là thị trường quan trọng của ngành nông nghiệp Việt Nam, đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Mỹ, chiếm 11,75% thị phần trong tổng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam năm 2019.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang EU ổn định ở mức gần 5 tỷ USD/năm, thặng dư trung bình 4 tỷ USD/năm trong vòng 3 năm qua. EU là nền kinh tế lớn nhất thế giới, GDP năm 2019 chiếm khoảng 30% và thu nhập bình quân đầu người đạt trên 35,8 nghìn USD, đây là một thị trường lớn, đầy tiềm năng.
Theo Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công thương, tiêu thụ gạo trung bình của EU khoảng 2,5 triệu tấn/năm trong giai đoạn 2016 – 2020, lượng tiêu thụ này tăng đáng kể do có sự phổ biến của đồ ăn Châu Á.
Năm 2019, xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường EU đạt 10,7 triệu tấn, tăng 92,4% so với năm 2018 và chỉ chiếm 0,38% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. EVFTA cam kết hạn ngạch cho gạo Việt Nam xuất vào thị trường này là 80.000 tấn/năm và áp dụng thuế xuất tuyệt đối là 175 EUR/tấn với gạo tấm, 211 EUR/tấn với thóc, còn đối với gạo tấm cam kết sẽ xóa bỏ thuế trong 5 năm.
“Tuy nhiên, hiện gạo của Việt Nam đang phải đối diện với sự cạnh tranh rất lớn đến từ các đối thủ như: Thái Lan, Hoa Kỳ, Úc, đây là những quốc gia được phân bổ hạn ngạch thuế quan (HNTQ) lớn. Ngoài ra còn có Campuchia và Myanma là 2 quốc gia được miễn thuế và không bị áp dụng hạn ngạch”. Đại diện Cục xuất nhập khẩu cho biết.
Đối với thủy sản, EU hiện là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất thế giới. Hàng năm, EU nhập gần 9,3 triệu tấn, với kim ngạch khoảng 50 tỷ EUR. Năm 2019, thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 967,3 triệu USD, giảm 13,2% so với năm 2018 và chiếm 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước.
EVFTA cam kết xóa bỏ ngay 50% số dòng thuế, phần lớn là thuế suất cơ sở từ 6 – 22%, ngay khi Hiệp định có hiệu lực. Xóa bỏ 50% số dòng thuế (thuế suất cơ sở từ 5,5 – 26%), trong đó có cá tra và cua. Đồng thời áp dụng hạn ngạch thuế quan 11.500 tấn/năm cho cá ngừ và 500 tấn/năm cho cá viên.
Đối với lâm nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm đồ gỗ. Năm 2019, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đạt 535,1 triệu USD, tăng 9,2% so với năm 2018 và mới chiếm 5,0% tổng kim ngạch xuất khẩu gổ của cả nước.
Đối với sản phẩm đồ gỗ, EVFTA cam kết áp thuế suất cơ bản lên gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam từ 2 – 10% (gỗ chương 44) và 2,7 – 5,6% (sản phẩm gỗ). Xóa bỏ khoảng 83% số dòng thuế mặt hàng nay ngay khi Hiệp định có hiệu lực và Xóa bỏ khoảng 17% số dòng thuế, bao gồm gỗ dán, ván sợi, ván dăm,…từ sau 3 – 7 năm.
“Để phát triển xuất khẩu sang thị trường EU một cách bền vững, ngành nông sản Việt Nam cần cải thiện các vấn đề về: An toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; Xây dựng thương hiệu; Công nghệ bảo quản, đảm bảo chất lượng sản phẩm khi vận chuyển đến EU; Công tác thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại. Ngoài ra, cần tận dụng những ưu đãi thông qua chứng nhận xuất xứ hàng hóa”. Đại diện Cục xuất nhập khẩu chia sẻ thêm.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An cho biết, vấn đề không phải là hàng rào ở Châu Âu, mà nằm ở phía Việt Nam. Như mặt hàng gạo đang gặp phải thủ tục chứng nhận chủng loại hàng hóa mới được hưởng ưu đãi. Châu Âu có cần điều này hay không, và cần ở mức độ nào? Ông Bình mong muốn các Bộ, ngành cần nghiên cứu để giảm thủ tục không cần thiết để doanh nghiệp sớm tiếp cận được cơ hội mà EVFTA mang lại.
Liên minh Châu Âu (EU27) hiện là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Năm 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và EU đạt 49,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang EU là 35,8 tỷ USD và là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Với quy mô dân số trên 500 triệu người và GDP đạt 15. 000 tỷ USD, EU hiện đang là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 của thế giới, giá trị nhập khẩu ngoại khối của EU đạt 1.934 tỷ Euro. Thị phần của Việt Nam là 1,8% và xếp thứ 11 trong số các quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào EU.
Hiệp định EVFTA được xem là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, khi EVFTA có mức cam kết cao nhất trong các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết trước đây.
Cụ thể, EVFTA cam kết xóa bỏ ngay thuế quan với 85,6% số dòng thuế, tương đương với 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU; Cam kết xóa bỏ thuế quan sau 7 năm đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Tỷ lệ còn lại là 0,8% số dòng thuế, áp dụng hạn ngạch thuế quan (TRQ) với thuế trong hạn ngạch là 0%.
Trong báo cáo mới cập nhật, SSI Research dự báo ngành hàng không Việt Nam trong năm 2025 dự kiến sẽ được tiếp sức mạnh mẽ nhờ ba yếu tố then chốt.